Trong tự nhiên, các loài động vật luôn có nhiều cách để giao tiếp với đồng loại để săn mồi, tìm kiếm thức ăn và trốn tránh nguy hiểm. Những “ngôn ngữ” của chúng vô cùng đa dạng, từ nét mặt, tiếng kêu, tiếng huýt thậm chí là những tiếng hát. Sau đây là những phương thức đặc biệt mà các loài động vật dùng để giao tiếp với nhau.
1. Tiếng chép miệng (loài khỉ)
Đa số các loài khỉ đều có thể giao tiếp với nhau bằng cách chép miệng.
Các nhà khoa học cho rằng, có thể ngôn ngữ loài người đã xuất hiện từ rất sớm trong quá trình tiến hóa. Theo Tecumseh Fitch, chủ nhiệm khoa nhận thức sinh vật học thuộc Đại học Vienna, dấu hiệu ngôn ngữ của loài người được đánh dấu bằng những tiếng chép miệng của loài khỉ. Phần lớn loài khỉ đều có động tác chép miệng khi chúng gặp nhau. Quá trình này mặc dù chỉ phát ra những âm thanh rất nhỏ nhưng được tạo nên nhờ hàng loạt động tác phức tạp phối hợp nhanh giữa môi, lưỡi, hàm và xương móng nhỏ hình chữ u. Tần suất của những động tác này là 5 lần/giây.
2. Sóng siêu âm (loài Tarsiidae)
Loài Tarsiidae.
Tarsiidae là một họ động vật có vú trong bộ Linh trưởng. Họ này được Gray miêu tả năm 1825. Chúng đã không hề tiến hóa trong suốt 45 triệu năm qua. Đây là loài động vật có kích thước cơ thể rất nhỏ, con trưởng thành có chiều dài tối đa khoảng 13cm. Tarsiidae có khả năng rất đặc biệt là phát ra các sóng siêu âm có tần số từ 70 kHz đến 90 kHz để giao tiếp với nhau. Chúng thường dùng “tiếng kêu” cực kì chói tai này để gọi bạn tình hoặc các con non gọi mẹ khi gặp nguy hiểm.
3. Nhảy múa (chim Uraeginthus cyanocephalus)
Chim Uraeginthus cyanocephalus.
Chim Uraeginthus cyanocephalus là một loài chim thuộc họ chim di, bộ chim sẻ. Chúng sinh sống chủ yếu ở những vùng nhiệt đới có khí hậu ấm áp. Thức ăn của chúng là các loại hạt và côn trùng nhỏ.
Loài chim này có phương thức giao tiếp rất thú vị. Chúng sẽ nhảy múa rất nhanh để gửi thông điệp cho nhau. Những chú chim thường nhảy bằng cách gõ móng chân của mình lên cành cây thật nhanh mà con người không thể nhìn thấy bằng mắt thường được.