Những quy tắc cần nhớ trước khi muốn phối giống cho chó mèo

Không phải giống nào cũng có thể sinh sản mà không gây hại cho thế hệ sau. Vậy nên, người nuôi chó mèo buộc phải tuân theo một số quy tắc nhất định.

Đã thành một thông lệ, người nuôi chó mong muốn chúng có thể sinh sản, cho ra đời những "đứa trẻ" thật đẹp, thật khỏe mạnh, dễ nuôi, dễ dạy. Ai cũng muốn cún cưng của mình có một gia đình thật hạnh phúc, được thực hiện mọi chức năng mà tạo hóa đã ban tặng. Ngoài ra, các giống chó quý và đắt tiền còn giúp đem lại một nguồn tài chính khổng lồ.

Nhưng sự thực, việc phối giống chó hay mèo đều không đơn giản như bạn tưởng. Không chỉ liên quan đến việc thuần chủng hay không, chuyện phối giống còn muôn vàn vấn đề khác nữa.

Trách nhiệm của người phối giống không chỉ là đỡ đẻ thành công một đàn cún con, mà còn cần đảm bảo chúng không gặp bất kỳ vấn đề gì về mặt sức khỏe sau này, kể cả khi đã về với chủ mới.


Cún bị dị dạng, sống cả đời khổ sở - có đáng không?

Thử tưởng tượng, bạn đón về một chút cún xinh xắn, yêu thương chú như một thành viên trong gia đình, để rồi nhận ra chú mắc phải những chứng bệnh di truyền không thể chữa được và qua đời trong vòng 18 tháng? Tin tôi đi, tình trạng ấy diễn ra thường xuyên, ngay cả ở những quốc gia kiểm soát rất chặt chẽ về quá trình phối giống thú cưng.

Vấn đề nằm ở chỗ, bạn hoặc người bán đều không nói dối. Bạn cho cún của mình phối với những cá thể đẹp nhất, tuyệt vời nhất. Thảm họa xảy ra là vì bạn không biết những kiến thức cần thiết trước khi quyết định cho mèo hoặc chó của mình làm mẹ.

Vậy nên nếu quyết định phối giống cho chó của mình mà không muốn hệ quả xấu xảy ra, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng.

1. Chuẩn bị kiến thức và... tinh thần cho bản thân

Phối giống chó là một việc làm rất tốn kém, cả về thời gian lẫn tiền bạc - đây là điều bạn cần chuẩn bị tâm lý. Đối với những giống chó quý hiếm, số tiền một lần lấy giống của con đực có thể lên tới cả chục triệu đồng.


Corgi là một trong những giống chó đòi hỏi tiền phối giống khá đắt đỏ.

Tiếp theo, hãy dành thời gian để tìm hiểu về câu chuyện sinh nở của giống chó bạn đang nuôi. Bạn sẽ phải nắm rất vững các thông tin loài, đặc điểm hình thái, đặc điểm sinh tồn, các bất lợi khi sinh sản... Muốn nắm được chúng, hãy đọc, đọc và đọc thật nhiều, đồng thời tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia thú y.

2. Phối giống là để tốt lên

Đó là phương châm không được phép quên đối với những người nuôi chó mèo. Nên nhớ, có loài sinh sản rất dễ, có những loài khó khăn hơn, và có cả những cá thể không được phép sinh sản.

Nếu chỉ lựa chọn những cá thể mang tính trạng được con người ưa thích mà không để ý đến trải nghiệm của thú nuôi, thảm họa sẽ xảy ra.


Scottish fold - mèo tai cụp vốn xuất phát từ một gene lỗi, không có lợi cho sức khỏe của thú nuôi.

Có thể lấy ví dụ như mèo Scottish - một giống mèo rất được ưa chuộng trên thế giới, trong đó những cá thể mang tai cụp luôn có giá đắt đỏ nhất. Tuy nhiên, cái tai cụp ấy là hệ quả của một đoạn gene lỗi. Nếu hai cá thể mang gene lỗi cùng phối giống, tỉ lệ tai cụp sẽ cao hơn, nhưng mèo con sẽ mắc phải chứng vôi hóa xương, khiến tuổi thọ của chúng không thể vượt quá 2 năm

Một ví dụ khác là các loài chó đầu ngắn (như pug, bulldog, bull Pháp...). Trong nhiều năm, loài người đã phối giống sao cho mõm của chúng ngày càng ngắn, da chúng ngày càng nhăn. Đó là những đặc điểm con người ưa thích, nhưng chúng khiến các loài vật này phải sống một cuộc đời khổ sở.


Đừng vì lợi nhuận hoặc những tính trạng ưa thích mà cho ra đời những thế hệ thú nuôi bị tật nguyền.

Đừng vì lợi nhuận hoặc những tính trạng ưa thích mà cho ra đời những thế hệ thú nuôi bị tật nguyền, đoản thọ. Đó là tội ác.

3. Hãy đảm bảo thú nuôi đủ tiêu chuẩn để phối giống

Trước khi quyết định phối giống, hãy đưa cún và mèo cưng của bạn đến một cơ sở thú y uy tín để được xét nghiệm cụ thể. Phải đảm bảo rằng chó hoặc mèo của bạn không mắc bất kỳ chứng bệnh nghiêm trọng nào liên quan đến di truyền, đồng thời được tiêm phòng đầy đủ.

Đây là quy trình cần được thực hiện đối với cả ông bố lẫn bà mẹ tương lai. Dù bố mẹ nhìn khoẻ mạnh, nhưng nếu các đời trước từng có bệnh di truyền thì không thể đảm bảo được rằng gene lỗi ấy không trỗi dậy cho các thế hệ tương lai.


Hãy đợi ít nhất 2 năm trước khi quyết định cho chúng sinh sản.

Ngoài ra, các chuyên gia thú y luôn khuyên những người nuôi chó mèo hãy đợi ít nhất 2 năm trước khi quyết định cho chúng sinh sản. Khoảng thời gian này là cần thiết để tất cả các bệnh tật di truyền nghiêm trọng (nếu có) được bộc lộ, và các bác sĩ sẽ quyết định xem thú nuôi của bạn có được phép sinh sản hay không.

4. Chọn giống cẩn thận theo gia phả

Ngay cả khi cả hai đều thuần chủng, không có vấn đề gì về sức khỏe, bạn vẫn cần phải nắm được... gia phả của chú chó, ít nhất là đời bố mẹ.

Điều này nhằm đảm bảo chuyện giao phối cận huyết sẽ không thể xảy ra. Đừng coi thường, vì trong một thành phố, cộng đồng nuôi chung một giống chó nhỏ hơn bạn tưởng. Vậy nên, tỉ lệ giao phối cận huyết cũng vì thế mà tăng theo.


Bạn cần phải nắm được... gia phả của chú chó, ít nhất là đời bố mẹ.

Nếu chịu khó học hành tử tế môn sinh học, bạn cũng hiểu hệ quả của việc giao phối cận huyết. Chúng sẽ làm thui chột bộ gene, tăng tỉ lệ xuất hiện các gene lặn, gene lỗi, để rồi thế hệ sau có những cá thể dị tật, phải thoi thóp khổ sở trong nhiều năm.

5. Chăm sóc thú mẹ cẩn thận sau khi mang thai

Việc nuôi chó hoặc mèo đang mang thai cần phải cẩn trọng. Chúng có thời gian mang thai trong vòng 60 - 68 ngày. Trong thời gian ấy, cần bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, khối lượng thực phẩm cũng cần tăng 30% - 50%.

Ngoài ra, nên cho đi siêu âm để xác định trước số lượng cún chuẩn bị ra đời.

Đối với những người lần đầu đỡ đẻ, đó sẽ là một trải nghiệm rất khó quên, nhưng cũng có thể là bi kịch. Nếu có thể, hãy để chúng sinh sản ở cơ sở thú y uy tín, đặc biệt là với những giống chó khó sinh sản tự nhiên (như pug hoặc bull Pháp).

Cập nhật: 07/11/2017 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video