Những sáng chế có giá... dưới 100.000 đồng

Từ ngày có chiếc đèn mini soi tiền giả, chị Nguyễn Thị Minh, tiểu thương bán trái cây ở chợ Bàn Cờ, TP.HCM tỏ ra rất tự tin với những tờ tiền cũ và có màu bị phai.

Chị cho biết giá của đèn kiểm tra tiền giả chỉ có 13.000 đồng, nên khá nhiều người trong chợ tìm mua loại đèn này. Đèn soi kiểm tra tiền giả “giá rẻ” này chỉ là một trong những sáng chế của kỹ sư Trần Văn Tín, giám đốc Công ty TNHH tư vấn công nghệ điện tử ICEVN - Bình Dương.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa ngành máy tính ở Ukraine nhưng lại khởi nghiệp bằng nghề sửa chữa điện thoại ở... chợ trời quận 5 (TP.HCM), chỉ vì “muốn có nhiều thời gian thăm nuôi mẹ đang nằm ở bệnh viện gần đó”. Những sáng chế đầu tay của ông Trần Văn Tín đều liên quan đến điện thoại di động.

Đó là máy sạc pin đa năng, có thể dùng cho tất cả các loại ĐTDĐ (bộ sạc pin này còn có thể sạc trực tiếp ở xe gắn máy), màng bảo vệ tai khi sử dụng điện thoại... Đến nay, nhà sáng chế tay ngang đã có trong tay gần một chục sản phẩm và hầu hết đều đã được đưa vào thị trường. Các “sáng chế” lại có giá thành rất... dễ chịu, chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng, cao hơn một chút là 20.000 - 30.000 đồng, món đắt nhất cũng chỉ 90.000 đồng.


Kỹ sư Trần Văn Tín đang thử nghiệm bộ tăng sáng cho đèn của xe gắn máy (Ảnh: T.T)

Khi được hỏi liệu giá rẻ có phải là chiến lược của công ty, ông cười và kể: “Trước đây, vì cần vốn để kinh doanh, tôi đã bán đứt công nghệ màng bảo vệ điện thoại di động (một chiếc lưới nhỏ ngăn sóng âm đi vào tai, bảo vệ tai) cho một công ty Malaysia với giá 24.000 USD. Được một món tiền lớn nhưng tôi cứ thấy tiếc và ân hận, vì nếu muốn sử dụng, người dùng phải bỏ tiền túi đến 7 USD để mua. Trong khi nếu không bán công nghệ mà tiếp tục sản xuất, một chiếc màng chỉ có giá 1 USD”.

Một lần có người bạn thân cùng lớp do chạy đường làng, đèn xe không đủ sáng nên lọt xuống một chiếc hố, chấn thương sọ não mà chết. Đi đưa tang bạn về, kỹ sư Tín trở nên lặng lẽ và miệt mài trong phòng thí nghiệm.

Người nhà thấy anh... đi mua một chiếc xe máy cũ, suốt ngày tháo lắp xe. Hết ba chiếc xe máy thì... bộ tăng sáng cho đèn xe máy ra đời. Chỉ cần gắn thiết bị vào mặt đèn pha, đèn sẽ giữ độ sáng ban đầu mà không tùy thuộc vận tốc của xe (chạy nhanh đèn sáng, chạy chậm đèn yếu). Bộ tăng sáng cho đèn này có giá... 20.000 đồng.

Sau lần ấy, có một ít vốn ông Tín tập trung vào những nghiên cứu có thể mang lại sự tiết kiệm cho người tiêu dùng.  Năm 2005, ông cho ra lò ba sản phẩm nhằm tiết kiệm điện, tiết kiệm gas trong sinh hoạt, tiết kiệm xăng cho xe máy. Nhóm sản phẩm này đã nhận được giải thưởng “Sao vàng đất Việt”. Tụ bù tiết kiệm điện có giá 70.000 đồng, khi cắm vào bất kỳ vị trí ổ cắm điện trong gia đình, công sở... sẽ giúp tiết kiệm 15-20% điện tiêu thụ.

Kỹ sư Tín cho biết: một số nơi có dây dẫn không đúng (hoặc quá lớn hoặc quá nhỏ) làm khả năng dẫn điện kém, ngoài ra đối với những thiết bị điện có cảm ứng (môtơ, máy lạnh, tủ lạnh...) nếu đã có tuổi thọ, sức ì của máy sẽ kéo lượng điện tiêu thụ thường nhiều hơn so với công suất thiết kế ban đầu. Tụ bù điện có chức năng giúp công suất tiêu thụ trở về công suất thực.

Tương tự, bộ tiết kiệm xăng ICE cũng có tính năng như một thiết bị hỗ trợ đánh lửa bugi xe gắn máy. Thiết bị gồm một mạch điện tử có hai phần: điôt bảo vệ chống xung ngược và vi mạch của Nga (1,5kV) giúp tăng điện thế cao áp và đốt nhiên liệu thừa trong máy, muội  than sạch không bám đầu piston và supap nên giúp động cơ chạy nhanh hơn. Giá thành một bộ tiết kiệm xăng cũng chỉ 15.000 đồng.

So với hai bộ tiết kiệm điện và xăng thì bộ tiết kiệm gas vẫn còn rất mới và chưa có cơ hội đi vào đời sống, mặc dù ông Tín đã gõ cửa khá nhiều doanh nghiệp sản xuất gas. Ông lập luận: bằng mắt thường cũng có thể quan sát bình chứa gas khi hết (không bật được bếp) vẫn còn gas. Tuy nhiên do không đủ áp lực nên gas không đẩy được ra ngoài. Để tận dụng lượng gas này, ông  đã chế tạo thiết bị gắn từ bình sang bếp. Khi gas còn ít không tự cháy thì chuyển qua kích hoạt thiết bị này. Với nguyên lý tạo chênh lệch áp suất và tự động hoàn toàn, sản phẩm sẽ hút hết gas trong bình để sử dụng.

Địa chỉ của kỹ sư Trần Văn Tín: Phân xưởng sản xuất thành phẩm, số 499/33/72 đường Tô Ký, khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 TP.HCM. ĐT: 08 2155353. ĐTDĐ: 0908345113.

THU THẢO

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video