Từ khung xương trợ lực giúp người bị liệt đi lại được, các robot siêu nhỏ “ăn mòn” khối u trong não đến những cỗ máy làm việc không mệt mỏi như các hộ lý trong bệnh viện…, tương lai của ngành y đang rộng mở ở nhiều khía cạnh. Theo các chuyên gia, nhiều kỹ năng của con người đang dần được cải thiện hoặc thay thế bằng các robot và thiết bị công nghệ cao – một xu hướng sẽ trở nên phổ biến chỉ trong vài năm nữa. Dưới đây một số tiến bộ khoa học đáng chú ý vừa được AFP giới thiệu:
1. Robot “ăn” khối u trong não
Hiểu được khó khăn mà bác sĩ phẫu thuật thường gặp phải khi điều trị những khối u nằm sâu trong não, các nhà khoa học tại Khoa Y Đại học Maryland (Mỹ) đã phát triển một robot lấy cảm hứng từ những con giòi. Nó có khả năng đốt các khối u bằng điện rồi hút các mảnh vụn ra ngoài. Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Kỹ thuật Sinh học và Hình ảnh y sinh học (NIBIB-Mỹ), đơn vị tài trợ cho nghiên cứu, robot có nhiều khớp nối nên có thể di chuyển theo nhiều hướng. Thiết bị đã được kiểm tra độ an toàn trên xác heo và thi thể người.
2. Robot bóc tách khối u ung thư
Lấy cảm hứng từ càng cua, các nhà khoa học Singapore đã tạo ra robot phẫu thuật nội soi tên là MASTER, dùng luồng từ cổ họng xuống bao tử để bóc tách khối u ung thư bằng 2 chiếc càng nhỏ xíu. Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Nanyang giải thích rằng trong khi một càng kẹp chặt khối u thì chiếc càng còn lại sẽ cắt bỏ nó. Quá trình này chỉ mất 20 phút, hứa hẹn sẽ sớm loại bỏ nhu cầu phẫu thuật, vốn kéo dài hàng giờ liền. Robot “càng cua” đã được thử nghiệm thành công trên nhiều bệnh nhân.
3. Khung xương robot
Các kỹ sư trên thế giới đang chạy đua thiết kế những bộ khung xương trợ lực nhẹ nhất và tự động nhiều nhất, không chỉ nhằm khôi phục chức năng vận động cho người tàn tật mà còn tăng cường sức mạnh và sức bền cho những người thường khuân vác vật nặng hoặc đi bộ đường dài (như binh sĩ hoặc nhân viên cứu hộ).
Với thiết kế nâng đỡ phần thân dưới, khung xương robot vận hành bằng các động cơ - bộ phận chính giúp giảm bớt căng thẳng cho cơ bắp. Cơ chế hoạt động của nó cũng tương tự như một bộ đồ liền thân kiểm soát bằng ý nghĩ đã giúp cho Juliano Pint - một thanh niên 29 tuổi người Brazil bị liệt cả 2 chân - thực hiện cú phát bóng tại lễ khai mạc World Cup 2014 mới đây.
4. Chip máy tính giúp phục hồi thị lực
Trong số những tiến bộ khoa học gần đây nhằm điều trị bệnh thoái hóa võng mạc là hệ thống “mắt sinh học-điện tử” (bionic eye) - thiết bị đã giúp khôi phục phần nào thị lực cho hàng chục bệnh nhân tại Mỹ và châu Âu.
Hệ thống hoạt động nhờ một con chip cấy vào trong mắt để bắt chước các chức năng của các tế bào tiếp nhận ánh sáng, kết hợp với một camera nhỏ tích hợp trên cặp mắt kính. Camera có nhiệm vụ gửi hình ảnh thu được tới con chip thông qua một máy tính mini, bộ phận giúp truyền tín hiệu điện tử tới não, nơi tín hiệu đó được “dịch” thành hình ảnh. Trong một sáng chế, con chip đảm nhận cả chức năng tiếp nhận ánh sáng lẫn máy truyền hình ảnh.
Hiện tại, trở ngại chính khiến bệnh nhân chưa thể sử dụng “mắt sinh học-điện tử” là chi phí cao, khoảng 140.000 USD/bộ.
5. Robot điều trị và chăm sóc bệnh nhân
Nhằm giảm bớt nỗi sợ hãi và cắt giảm số ca đại phẫu mà trong đó bác sĩ phải đưa tay vào tận nội tạng bệnh nhân, những cánh tay robot nhỏ gọn đã được phát triển và được sử dụng ngày càng nhiều trong các ca phẫu thuật ít xâm lấn. Việc dùng cánh tay robot còn cho phép bác sĩ thực hiện những thao tác đòi hỏi sự khéo léo vượt xa khả năng của bàn tay, cũng như cho phép họ tiến hành các ca phẫu thuật từ xa, tức là bác sĩ có thể điều khiển dao mổ trên tay robot từ bên ngoài phòng mổ.
Với ưu điểm là giúp ngành y tiết kiệm chi phí thuê nhân viên, robot y tế cũng đang bắt đầu tiếp nhận công việc của những người phụ việc tại bệnh viện. Còn tại nhà, robot điều dưỡng có thể giúp người tàn tật giao tiếp và sinh hoạt độc lập hơn, chẳng hạn như cánh tay robot có gắn muỗng giúp bệnh nhân tự múc thức ăn.