Những tiết lộ khó tin về sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Milton đổ bộ vào Mỹ

John Morales, một nhà khí tượng học tại Miami, gần như đã bật khóc vào 7/10 khi nhận ra sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Milton.

Cơn bão có sức tàn phá lớn nhất từng được ghi nhận

"Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới quan trọng và khó lường của cuộc khủng hoảng khí hậu". Đây là đánh giá được đưa ra bởi một số nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới, công bố trên tạp chí BioScience hôm 8/10. Cùng ngày, Trung tâm Bão Quốc gia của Mỹ đã cập nhật cảnh báo về bão Milton, hiện đang di chuyển vào Vịnh Mexico.

"Milton có khả năng trở thành một trong những cơn bão có sức tàn phá lớn nhất từng được ghi nhận ở phía Tây và Trung Florida".


Người dân chuẩn bị trước khi Hilton đổ bộ vào Orlando, Florida. (Ảnh: Reuters).

Thật không may là hai tuyên bố này có liên quan đến nhau. Về mặt thời tiết, thế giới mà chúng ta đang sống đã bước vào một địa hạt chưa được khám phá, như các nhà khoa học cho hay trên BioScience: "Chúng ta hiện đã đưa hành tinh vào các điều kiện khí hậu mà chúng ta hoặc những người họ hàng thời tiền sử của chúng ta chưa từng chứng kiến". Hệ quả của điều này là các thảm họa thời tiết sẽ ngày càng trở nên thảm khốc và khó đoán hơn. Trạng thái bình thường mới là sẽ không có trạng thái bình thường mới nào nữa.

Milton, ngay từ khi mới hình thành đã là một cơn bão bất thường.

"Rất hiếm khi một cơn bão hình thành ở phía Tây Vịnh, di chuyển về phía Đông và đổ bộ vào bờ biển phía Tây Florida", Jonathan Lin - một nhà khoa học về khí quyển tại Cornell giải thích với Vox. Khi Milton di chuyển qua Vịnh Mexico, nó đã gặp phải vùng nước nóng hơn gần 3,5 độ C so với bình thường vào đầu tháng 10. Theo Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia có trụ sở tại Asheville, Bắc Carolina, dữ liệu về nhiệt độ nước ở Vịnh hiện rất khó có được vì bão Helene đổ bộ cách đây chưa đầy 2 tuần đã làm hư hại các văn phòng của nhóm cung cấp số liệu.

Hình ảnh kinh hoàng này cho thấy sức mạnh của cơn bão Milton. Cơn bão xuất hiện như một cơn bão nhiệt đới ở Vịnh Mexico vào cuối tuần qua và dự kiến sẽ đổ bộ vào bờ biển phía Tây Florida vào tối 9/10 (giờ Mỹ), đã được tuyên bố là cơn bão cấp 5 sau khi mạnh lên nhanh chóng.


Sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Milton. (Ảnh: Denver & Front Range Weather).

Quy mô của cơn bão khiến nhiều người kinh ngạc với tốc độ gió đã lên tới mức nguy hiểm là gần 290km/h và có gió giật liên tục trên 321km/h. Hơn 1 triệu người dân Florida được kêu gọi sơ tán.

Trong bài đăng của mình trên mạng xã hội X, nhà khí tượng học Noah Bergren đã chia sẻ những hình ảnh radar tiết lộ Milton giống như một đốm màu đỏ khổng lồ, nuốt chửng toàn bộ bản đồ. Màu đỏ và màu hạt dẻ trên bản đồ radar thời tiết báo hiệu lượng mưa xối xả, lũ quét và tình trạng bão.

Chuyên gia Bergren viết: “Tôi không biết dùng từ nào để mô tả về mặt khí tượng cho bạn về mắt bão nhỏ và cường độ của cơn bão này. Nó đang tiến gần đến giới hạn toán học mà bầu khí quyển Trái đất trên vùng biển này có thể tạo ra".

Cơn bão khiến các nhà khí tượng choáng váng vì quá khủng khiếp

Các cơn bão lấy năng lượng từ bề mặt nước của đại dương, nước càng ấm thì năng lượng càng sẵn có. Các mô hình bão dự đoán Milton sẽ mạnh lên khi di chuyển về phía Đông, tuy nhiên, các nhà dự báo vẫn choáng váng trước sự phát triển của nó. Cơn bão đã đi từ một cơn bão nhẹ thành cơn bão cấp 5 trong vòng chưa đầy 24 giờ. Kể từ đó, nó đã yếu đi một chút, xuống cấp 4. Một cơn bão được cho là trải qua quá trình tăng cường nhanh chóng nếu sức gió duy trì tối đa của nó tăng tốc thêm 30 hải lý - khoảng 56km/h trong một ngày. Cường độ cực nhanh xảy ra khi tốc độ gió tăng thêm 50 hải lý - khoảng 80km/h trong thời gian đó. Sức gió duy trì tối đã của Milton đã tăng hơn 144km/h trong một ngày.

Ngày 7/10, Milton đã trở thành cơn bão Đại Tây Dương mạnh lên nhanh thứ ba khi tốc độ gió của nó tăng gấp đôi tiêu chuẩn về sự tăng cường nhanh chóng, chuyển từ bão nhiệt đới sang bão cấp 5 trong chưa đầy 1 ngày.

Nước ấm của Vịnh, cùng với các điều kiện không khí, đã khiến sự tăng cường nhanh chóng của Milton "gần như chắc chắn", nhà hải dương học vật lý Gregory Foltz thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại Dương Quốc gia Mỹ cho hay.

"Điều này thực sự khó tin", Zoe Mintz, nhà khí tượng học của KPIX, chi nhánh CBS tại San Francisco nhận định trên mạng xã hội X khi nói về bão Milton. John Morales, một nhà khí tượng học của WTVJ tại Miami, gần như đã bật khóc vào 7/10 khi ông thông báo áp suất khí quyển của cơn bão đã giảm 50 milibar trong 10 giờ.

"Điều này thật kinh hoàng", ông John Morales nói.

Áp suất không khí giảm thường là dấu hiệu cho thấy cơn bão đang mạnh lên và vào 7/10, áp suất trung tâm của Milton đã đạt mức thấp gần kỷ lục.

Tác động của siêu bão Milton khi đổ bộ

Milton dự kiến sẽ đổ bộ vào bờ biển phía Tây và Trung tâm của Florida đêm 9/10 (giờ Mỹ). Tampa, do vị trí của nó trên thềm lục địa nông, có thể là thành phố chịu thiệt hại lớn nhất vì nước dâng do bão và có thể bị bão tấn công trực tiếp. Trong những năm gần đây, mức nước biển dọc Bờ biển Vịnh (Gulf Coast) của Florida đã dâng cao gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu trong thập kỷ qua khi mực biển biển dâng khoảng 12,7cm. Điều này có nghĩa là tình trạng nước dâng cao do bão ở khu vực này sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Tổng lượng nước dâng do bão Milton có thể cao tới 4 mét. Trong khi đó, phần lớn khu vực vẫn ngổn ngang bởi các mảnh vỡ do bão Helene để lại.

Vịnh Tampa chưa từng bị một cơn bão lớn nào tấn công trực tiếp kể từ năm 1921 theo báo cáo năm 2015 từ công ty mô hình rủi ro Karen Clark & Co. xếp hạng, đây là nơi dễ bị ảnh hưởng nhất tại Mỹ bởi tình trạng nước dâng cao do bão. Địa hình dưới nước ở khu vực này có thể giống như một cái phễu khổng lồ, dẫn và giữ nước lũ trong vịnh. Quá trình phát triển đô thị rộng khắp của thành phố trong thế kỷ qua đã khiến nhiều người dân và các công trình ven biển gặp nguy hiểm. Khu vực đô thị này là nơi sinh sống của hơn 3 triệu cư dân.

Các quan chức địa phương tại Quận Pinellas, bao gồm các thành phố Clearwater và St. Petersburg, gọi đợt nước dâng do bão dự báo là "không thể sống sót" và kêu gọi người dân tuân thủ lệnh sơ tán bắt buộc.

Mexico đã rất ngạc nhiên vào năm ngoái khi một cơn bão nhiệt đới yếu ở Thái Bình Dương đột nhiên trở thành cơn bão cấp 5 vô cùng mạnh có tên là bão Otis, chỉ vài giờ trước khi nó đổ bộ vào miền Tây Mexico và khiến hàng chục người ở khu vực đô thị Acapulco thiệt mạng

Cơn bão Đại Tây Dương mạnh lên nhanh nhất từng được ghi nhận là Wilma, một cơn bão cấp 5 khi nó tấn công Bán đảo Yucatan vào tháng 10/2005, tiếp theo là Bão Felix vào năm 2007.

Thật không may, đã quá muộn để ngăn chặn những nỗi kinh hoàng như Milton xảy ra. Báo cáo của BioScience nêu rõ: "Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt hơn nữa trong những năm tới". Điều tốt nhất mà Mỹ và thế giới có thể làm vào lúc này là cố gắng giảm thiệt hại bằng cách giảm mạnh lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch và xây dựng các cơ sở hạ tầng có sức chống chịu tốt hơn.

Cập nhật: 09/10/2024 VOV
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video