Nơi điều chế thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư duy nhất ở Việt Nam

Thuốc phóng xạ của Việt Nam được điều chế thế nào?

Trước khi Việt Nam điều chế được 2 loại thuốc này, người bệnh ung thư phải ra nước ngoài nếu có nhu cầu sử dụng.

Hiện Viện nghiên cứu hạt nhân là đơn vị duy nhất trong cả nước ứng dụng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để sản xuất thuốc phóng xạ. Các dược chất phóng xạ đang được điều chế tại đây có I-131 dung dịch và viên nang dùng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tuyến giáp (basedow, ung thư tuyến giáp...); P-32 dung dịch dùng điều trị giảm đau ung thư do di căn xương; P-32 dạng tấm áp dùng điều trị u mạch máu cho trẻ em; Tc-99m gắn với các hợp chất đánh dấu đặc hiệu (MDP: xạ hình xương; DTPA: xạ hình thận; Phytec: xạ hình gan) cho 25 khoa y học hạt nhân trên toàn quốc trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Một số sản phẩm cũng được xuất khẩu sang Campuchia.

TS Phạm Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ, Viện nghiên cứu hạt nhân cho biết, quy trình sản xuất được thực hiện bằng cách đưa vật liệu không có phóng xạ đem chiếu xạ trên lò phản ứng hạt nhân sẽ thành vật liệu phóng xạ. Sau đó các kỹ thuật viên sẽ tiến hành tách chiết để lấy hạt nhân phóng xạ quan tâm, kiểm tra chất lượng và phân phối đến các bệnh viện.

Có 2 loại thuốc phóng xạ gồm chu kỳ bán rã ngắn và dài ngày. Tại Việt Nam có Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (HIC) và một số bệnh viện sử dụng máy gia tốc chủ động sản xuất dược chất phóng xạ có thời gian bán rã ngắn, phục vụ chẩn đoán ung thư. Riêng Viện nghiên cứu hạt nhân chủ yếu sản xuất dược chất phóng xạ có thời gian bán rã dài.


Phòng điều chế dược chất I-131. (Ảnh: Viện nghiên cứu hạt nhân).

TS Minh cho biết, việc chẩn đoán và điều trị bệnh bằng các thuốc phóng xạ là phương pháp không thể thay thế đối với một số bệnh ung thư hiện nay. Hiện thuốc phóng xạ sử dụng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đang đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. "Việc chủ động sản xuất các thuốc phóng xạ trong nước giúp giá sản phẩm rẻ bằng 1/3 so với nhập khẩu và góp phần hình thành và phát triển mạng lưới y học hạt nhân trong nước", TS Minh cho biết. Tuy nhiên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có công suất thấp (500 kW) nên chưa cung cấp đủ nhu cầu trong nước. Ngoài ra, Việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc cũng gặp khó khăn do vướng các quy định của Bộ Y tế.

Khoa Y học Hạt nhân, bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) là một trong 25 đơn vị trong cả nước sử dụng thuốc phóng xạ điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân mỗi tháng. Bệnh viện hiện đang sử dụng thuốc phóng xạ I-131 từ Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và từ nước ngoài để điều trị các loại ung thư tuyến giáp, bệnh cường giáp như Basedow...


Đây là hình ảnh một người bệnh được đưa vào buồng chụp của máy PET/CT, thiết bị cung cấp hình ảnh rất chi tiết về các mô ung thư với độ chính xác cao, được sử dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước khi chụp PET/CT, người bệnh được tiêm tĩnh mạch chất chỉ điểm phóng xạ, đây là hoạt chất quan trọng giúp các chuyên gia đánh giá được vị trí và mức độ ổ viêm hay tế bào ung thư.


Mới đây, khoa Y học Hạt nhân của bệnh viện vừa điều chế và sử dụng thành công 2 loại chỉ điểm phóng xạ mới có tên Ga-68 PSMA trong ung thư tuyến tiền liệt Ga-68 Dotatate trong u thần kinh nội tiết. Điều chế thuốc phóng xạ để phục vụ chụp PET/CT là công việc không đơn giản, không gian cực kỳ khép kín để đảm bảo an toàn bức xạ tuyệt đối.


Kỹ sư vật lý hạt nhân Nguyễn Tấn Châu và kỹ sư hóa phóng xạ Nguyễn Thị Phương Nam đang phụ trách điều chế thuốc 2 loại thuốc này. Từ 2021, đơn vị này bắt đầu nhập máy móc, thử nghiệm điều chế. Trước đó, họ trải qua nhiều năm miệt mài học tập, trao đổi kinh nghiệm. Ngày 7/11, tức gần 3 năm sau nhiều nỗ lực, thuốc được chính thức đưa vào sử dụng.


Điều chế thuốc là một chuỗi phản ứng hóa học gồm 3 giai đoạn, 28 bước và diễn ra hơn 30 phút. Các kỹ sư phải liên tục theo dõi quá trình phản ứng, thu thập thông tin và thao tác đúng trình tự. Mỗi ngày, phòng điều chế chỉ sản xuất 2-4 liều.


Thành quả sau mỗi lần điều chế khoảng 15 ml.
Thuốc sẽ được chuyển ngay đến phòng chụp PET/CT để có thể tiêm cho bệnh nhân trước một giờ trước khi lên máy chụp. Ưu điểm của 2 loại thuốc này trong chụp PET/CT là hình ảnh các tế bào ung thư sẽ hiển thị chi tiết hơn về mặt sinh học, chuyển hóa, giúp đánh giá, theo dõi điều trị ung thư sẽ dễ dàng hơn.


2 loại thuốc có chu kỳ bán rã rất ngắn, chỉ hơn 60 phút
, sau bán rã thuốc bị giảm tác dụng nên không thể nhập thuốc từ nước ngoài về. Do đó, người bệnh phải tự ra nước ngoài nếu có nhu cầu. "Đây cũng là lý do để khoa quyết tâm tự sản xuất Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate phục vụ người bệnh ngay tại bệnh viện", TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, chia sẻ.


Kỹ sư Nguyễn Tấn Châu đang kiểm tra mức độ phóng xạ xung quanh máy điều chế. Đây là công việc diễn ra liên tục trong môi trường bức xạ cao.


Đây là mô hình mô phỏng quy trình của phản ứng. Các kỹ sư của khoa Y học Hạt nhân nghiên cứu dựa trên mô hình này để thử nghiệm điều chế thuốc.


Thuốc phóng xạ khi được tiêm vào tĩnh mạch người bệnh, PET/CT có thể cung cấp hình ảnh rất chi tiết về các mô ung thư với độ chính xác cao. Trên ảnh là kết quả chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt tái phát của một bệnh nhân 47 tuổi đã mổ trước đó. Những đốm sáng màu đỏ là tế bào ung thư hiện lên sau khi phản ứng với thuốc Ga-68 PSMA.


Ngay từ lúc thuốc được sử dụng, Bệnh viện Chợ rẫy đã chụp PET/CT cho để phục vụ đánh giá, theo dõi điều trị cho 12 bệnh nhân chẩn đoán u nội tiết thần kinh và 13 bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt. Đây được xem là bước tiến lớn của Việt Nam để giúp bệnh nhân dễ dàng tiếp cận đến công nghệ chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, không phải ra nước ngoài như trước.

Bác sĩ Cảnh nhận định xu hướng hiện nay là điều trị nhắm trúng đích bằng thuốc phóng xạ cho một số bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt, ung thư di căn xương, ung thư biểu mô tế bào gan, u thần kinh nội tiết... Ông mong muốn nhà khoa học trong nước nghiên cứu gắn kết đồng vị phóng xạ trên thuốc nhắm trúng đích để ghi hình, đánh giá khả năng hấp thụ của thuốc tới các tổn thương ung thư, làm cơ sở giúp bác sĩ ra quyết định điều trị. "Các thuốc nhắm trúng đích có thể cung ứng cho các bệnh viện giúp chi phí cho việc điều trị có thể giảm hơn 50%", bác sĩ Cảnh nói.

Với dự đoán nhu cầu dược chất phóng xạ tăng cao trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu hạt nhân đang có kế hoạch bổ sung thanh nhiên liệu U-235 độ giàu thấp (19,75%) để tăng cường chạy lò sản xuất các dược chất phóng xạ trong 10 năm tới nhằm cung ứng khoảng 80% nhu cầu cho các bệnh viện trong và ngoài nước. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang thúc đẩy triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) với lò phản ứng hạt nhân có công suất lớn 10 MWt, trong đó ứng dụng lò để sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Viện cũng dự định xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, đầu ngành thuốc phóng xạ (ít nhất 10 người), để nghiên cứu và phát triển sản phẩm ứng dụng vào thực tế.

Cập nhật: 28/05/2024 znews/vne
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video