Nóng giận lại giúp đưa ra quyết định đúng!

"Giận mất khôn"... Thế nhưng không lúc nào cũng đúng như vậy. Một nghiên cứu mới của các nhà tâm lý Mỹ cho thấy, khi bạn gặp khó khăn để đưa ra một quyết định, cảm giác cáu giận có lẽ lại có ích vào lúc đó.

Wesley Moons, một nhà tâm lí học tại Đại học California, thành phố Santa Barbara, bang California, Mĩ, cùng với đồng nghiệp Diane Mackie đã thực hiện 3 cuộc thử nghiệm để xem cáu giận có ảnh hưởng thế nào đến suy nghĩ. Họ muốn xem rằng liệu cáu giận có làm con người luôn cân nhắc, cẩn trọng khi đưa ra các quyết định hay nó chỉ khiến người ta quyết định nhanh chóng hơn, vội vàng hơn.

Trong thí nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã khiến những sinh viên của mình nổi cáu bằng cách yêu cầu họ viết lại những điều đã từng làm họ rất bực bội trước đó, đồng thời để những sinh viên khác chỉ trích, phê phán nghiêm khắc những hi vọng, mơ ước của họ. Còn đối với nhóm thứ 2, họ không làm gì để mọi người phải cáu giận cả.

Người ta thường bảo “Nóng giận mất khôn”, nhưng thực ra không hẳn là vậy!  (Ảnh: Moneysavingexpert)

Sau đó các nhà nghiên cứu đã kiểm tra lại để biết chắc rằng những sinh viên bị trêu chọc kia thực sự nổi cáu đúng như ý định của họ.

Hai nhóm sinh viên này sau đó được yêu cầu đọc những bài tranh luận với các mức độ khác nhau với tính thuyết phục cao và trung bình.

Những bài tranh luận đó viết ra nhằm thuyết phục họ rằng sinh viên đại học có thói quen chi tiêu hiệu quả. Trong bài luận có tính thuyết phục cao có viện dẫn hàng loạt các nghiên cứu khoa học, trong khi đó bài luận trung bình đưa ra những ý kiến phản bác. Tiếp theo mọi người phải đánh giá một cách logic sức nặng của những bài luận mà họ được đọc và cho biết họ bị chúng thuyết phục đến mức nào.

Các nhà nghiên cứu đã lặp lại nghiên cứu này đối với các sinh viên. Và lần này cung cấp thêm một thông tin cho họ: đó là ai đã thực hiện những bài luận đó. Một số sinh viên được cho biết bài luận đó được một tổ chức chuyên theo dõi các vấn đề tài chính thực hiện. Còn những người khác lại được cho biết là bài luận này được thực hiện bởi một tổ chức y tế không có liên quan đến chủ đề tài chính được đề cập đến.

Trong cả hai lần, các nhà nghiên cứu nhận thấy những sinh viên bị chọc tức trước đó đã phân biệt tốt hơn các bài luận có tính thuyết phục cao và không cao, và họ thường bị thuyết phục bởi các bài luận thuyết phục hơn. Còn những người không bị làm phát cáu lại bị thuyết phục bởi cả hai bài luận, điều này cho thấy những nhận xét của họ không có tính phân tích.

Những sinh viên bị chọc cáu cũng tốt hơn khi đánh giá sức nặng của các bài luận một cách khá chính xác tùy theo tổ chức nào đã thực hiện bài luận đó.

Các nhà nghiên cứu lặp lại cuộc thí nghiệm lần thứ 3 và sử dụng một bài luận khác. Bài luận này ủng hộ việc thực hiện yêu cầu của các trường đại học khi áp dụng một kì thi đầu vào tổng quan cho các học sinh đã tốt nghiệp cấp III. Lần này, họ chỉ kiểm tra những sinh viên lần trước đưa ra những quyết định có tính logic kém. Theo cách này, các nhà nghiên cứu sẽ có thể thấy được rằng liệu sự cáu giận có giúp những người không có những phân tích nhận định trong suy nghĩ cải thiện được tình hình không.

Và một lần nữa, họ nhận thấy rằng những người bị khơi nên sự cáu giận lại có thể phân biệt tốt hơn những bài tranh luận hay và dở, hơn là những người không bị kích thích cảm giác này. Như vậy có thể thấy rằng sự cáu giận, nóng nảy có thể giúp những người không có suy nghĩ phân tích, nhận định đưa ra những quyết định hiệu quả hơn.

Kết quả của nghiên cứu này được công bố chi tiết trên số ra tháng này của tạp san Tâm lí cá nhân và xã hội (Personality and Social Psychology Bulletin).

Qua đó, nghiên cứu trên cho thấy rằng những cơn giận giúp mọi người tập trung vào những cách giải quyết có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra những quyết định hợp lí, và bỏ qua những bước không thích hợp trong khi quyết định cách giải quyết một vấn đề.

Các tác giả cho rằng điều này có lẽ là do sự nóng giận thường có tính khuyến khích con người thực hiện một điều gì đó, và thực ra nó giúp người ta có được sự lựa chọn đúng.

Mạnh Đức

Theo Livesience, VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video