Nông thôn hay thành thị: Đâu mới là nơi trong lành và đáng sống nhất?

Nhiều người cho rằng thành phố đang quá ô nhiễm, thì chuyển về quê sẽ là một giải pháp an toàn hơn cả. Nhưng thực tế có phải như vậy không?

Trước thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong các thành phố lớn, không ít người đã nghĩ lên núi hay về nông thôn mà sống thì tốt hơn. Chúng vừa trong lành, gần gũi với thiên nhiên, lại không khói bụi, tiếng ồn, ít tai nạn…

Chỉ có điều, thực tế lại có vẻ không hẳn là như vậy.

Nông thôn hay thành thị cũng nửa tốt nửa xấu

Dễ thấy rằng, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn ở thành phố là nguyên nhân chính dẫn đến các chứng bệnh như hen suyễn, dị ứng, trầm cảm… Nhưng đổi lại, dịch vụ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ở nơi đây kịp thời và chất lượng nhất.

Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu xã hội còn nhận ra thêm: Cư dân thành thị ở các thành phố lớn ít béo phì, ít phải tự tử và ít qua đời vì tai nạn hơn. Đặc biệt, đãi ngộ với người cao tuổi cực kỳ tốt. Đa phần lão niên sống vui, khỏe và trường thọ.


Môi trường an toàn nhất là thành phố sạch sẽ + gần gũi thiên nhiên.

Thực trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn như New Delhi (Ấn Độ), Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan)… khiến chúng ta quên mất rằng không phải tất cả các đô thị trên thế giới đều thiếu an toàn. Hãy ghé những thành phố sạch nhất, ví dụ như Wellington (New Zealand), Kobe (Nhật Bản), thậm chí là New York (Mỹ)… bạn sẽ thấy chúng "vạn phần đáng sống".

Không ít người cứ bảo, về nông thôn mà ở hay dưỡng già cho "khỏe thân". Quả thực, ở "quê" không lắm xe cộ, bụi bặm, ồn ào. Tuy nhiên, trong sạch thì cũng tùy vùng.


Thành thị tuy lắm "thể loại" ô nhiễm, nhưng cung cấp điều kiện việc làm, y tế tốt nhất.

Hãy lấy ví dụ Ấn Độ. Các thống kê chỉ ra rằng đất nước này bị ô nhiễm không khí nặng nề, ước tính mỗi năm lấy đi khoảng 1,5 triệu cư dân. Nhưng bạn có biết, có đến 1,1 triệu người thiệt mạng là cư dân của nông thôn chứ không phải thành phố?

Nguyên nhân là do người nông thôn tiếp xúc với "khói đốt đồng", gỗ hoặc phân bò nhiều nhất. Theo thống kê năm 2015, có đến 75% người chết vì ô nhiễm không khí ở Ấn Độ là ở các vùng quê.


Nông thôn tuy yên tĩnh, nhưng ô nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu không hề nhẹ

Miền núi: Đỡ ô nhiễm, nhưng lại "chết vì Mặt trời"

Trái đất rộng lớn (510.100.000 km2), song không có quá nhiều nơi mà con người có thể sinh sống. Xét ra, chúng ta chỉ có 4 lựa chọn cơ bản: Phố, quê, miền núi, miệt biển.

So với thành phố đa dạng các kiểu ô nhiễm, hay miền quê có thể lắm thuốc trừ sâu, ô nhiễm phân bón… miền núi có vẻ an toàn hơn.

Cái lợi của miền núi là lắm cây xanh. Trong tất cả các điều kiện môi trường, thì nhiều cây vẫn là sạch nhất. Thực vật rất giỏi hấp thụ khí thải, làm mát, thậm chí còn cản bớt ô nhiễm tiếng ồn.


Miền núi "ổn" nhất là trong độ cao từ 1.500-2.500m so với mặt nước biển, nhưng khi cháy rừng cũng rất phiền.

Nhưng khổ nỗi, rừng cũng có lúc cháy. Trong thời đại Trái đất nóng lên ngày nay, đâu đâu cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Mỗi đám cháy đều sản sinh khói độc hại. Tùy vào quy mô đám cháy, lượng khói sẽ tan nhanh hay quẩn quanh hàng tháng trời.

Chưa hết, khói còn tự do di chuyển. Cho dù vị trí cháy là Indonesia, các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Thái Lan... vẫn bị ảnh hưởng. Người ta đã phát hiện, khói mù từ Nam Mỹ và miền Nam Châu Phi có mặt cả ở Nam Bán cầu.

Đa phần vật chất ô nhiễm đều nặng hơn không khí. Càng lên cao, sự ô nhiễm sẽ càng nhẹ. Nhưng xin đừng vội vàng kết luận cứ lên cao mà sống! Càng cao thì càng hứng nhiều bức xạ Mặt trời. Tác hại của tia cực tím, xét trên nhiều góc độ, có thể còn nghiêm trọng hơn là ô nhiễm thông thường.

Để tránh tia cực tím, nên chọn làm nhà trong độ cao vừa phải, rơi vào khoảng 1.500 - 2.500m so với mực nước biển.


Trên 2.500m so với mặt nước biển là "chết với Mặt trời".

Miền biển: Tốt cho sức khỏe tinh thần, song cũng dễ bất thình lình mất mạng

Màu sắc tốt nhất cho sức khỏe tinh thần của con người là màu xanh. Càng được "tắm" trong không gian màu xanh bao nhiêu, chúng ta càng ít căng thẳng và bất an hơn bấy nhiêu.

Trái đất có ¾ bề mặt là biển biếc xanh. Không có "không gian xanh" nào lớn hơn biển cả, và như một lẽ dĩ nhiên sống gần biển là tuyệt vời nhất. Ngoài ra thì các vị trí gần nước như hồ, sông, suối… trong xanh cũng có tác dụng "an định tinh thần" tương tự.


Miền biển giảm stress, song cũng dễ bị sóng nuốt chửng.

Đáng tiếc, biển cũng hai mặt - dữ dội và dịu êm. Mỗi lần giông bão hay sóng thần là lại thẳng tay tước đoạt mạng người. Ngay cả cái "dịu êm" thủy triều đều đặn lên xuống cũng đầy rẫy sự nguy hiểm.

Môi trường chưa phải là điều kiện quyết định

Sức khỏe của con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoại trừ điều kiện môi trường còn có tài chính, tâm lý, di truyền… Nếu mỗi không khí trong lành là "cần và đủ", chúng ta đã chỉ việc chuyển tới các vùng rừng hoặc bờ biển còn nguyên sơ là xong.

Thực tế chỉ ra, mọi người có xu hướng tràn vào thành phố, bất chấp đó là thành phố trong lành hay ô nhiễm nhất. Chỉ có một lượng rất nhỏ đi "ngược chiều", từ thành phố chuyển ra ngoại ô, nông thôn, miền núi hay miệt biển.

Lý do rất đơn giản: Thành phố có đầy đủ mọi thứ mà một người cần. Từ phương tiện di chuyển công cộng cho đến cơ hội làm giàu, điều kiện y tế, giáo dục, phúc lợi… tất cả đều "tiện" nhất. Người giàu nghĩ chuyện hưởng thụ. Người nghèo không thể thoát nỗi lo âu sinh tồn. Cho dù biết phải đánh đổi bằng nguy cơ suy giảm sức khỏe, đa phần chúng ta vẫn phải chọn thành phố vì "miếng cơm".

Nếu bạn cứ "đòi" phải chỉ ra bằng được môi trường sống lý tưởng nhất, thì đó là thành phố sạch sẽ + gần gũi thiên nhiên (rừng hoặc biển). Ví dụ như Sydney (Úc) hay Helsinki (Phần Lan) chẳng hạn.

Cập nhật: 26/10/2019 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video