Bức tranh "Nữ công tước xấu xí" vẫn luôn là một bí ẩn với nhiều chuyên gia, nhà khoa học bởi vẻ ngoài xấu xí độc nhất vô nhị của người phụ nữ trong tranh.
Bức chân dung Nữ công tước xấu xí của hoa sĩ Flemish Quenten Matsys được vẽ vào năm 1513 là một trong những bức tranh phổ biến nhất trong Phòng trưng bày Quốc gia ở Anh. Bức tranh vẽ lại một người phụ nữ với gương mặt xấu xí chưa từng thấy và nhiều người đồn đoán rằng đó là một nữ giúp việc hơn là một công tước.
Mặc dù những người phụ trách Phòng trưng bày quốc gia cho rằng bức tranh có lẽ nhằm châm biếm những người phụ nữ cố gắng tái tạo tuổi trẻ của họ nhưng rất nhiều người đã tự hỏi rằng câu chuyện đằng sau nữ công tước là gì? Liệu vẻ ngoài xấu xí độc nhất vô nhị của cô có thật hay không và tại sao lại có thể xấu đến như vậy?
Bức tranh Nữ công tước xấu xí của hoa sĩ Flemish Quenten Matsys thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Theo The Guardian, sau hàng trăm năm, bí ẩn về tác phẩm nghệ thuật này cuối cùng đã được giải đáp. Giáo sư phẫu thuật Michael Baum tại Đại học College London, một người vô cùng hứng thú với tác phẩm Nữ công tước xấu xí đã cùng với sinh viên của mình tìm hiểu về sự thật phía sau bức chân dung. Liệu tại sao lại có một người sẵn sàng vẽ một bức tranh xấu xí kỳ cục như vậy? Nó để châm biếm hay hoàn toàn có thật?
Giáo sư Baum cuối cùng đã phát hiện ra rằng ngoại hình của nữ công tước thực sự là sản phẩm của một dạng bệnh đặc biệt, được gọi là bệnh Paget - một biến dạng xương gây ra bởi sự bất thường về trao đổi chất ở xương. Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào thế kỷ 19 bởi bác sĩ phẫu thuật Sir James Paget, người đầu tiên mô tả chính xác về căn bệnh.
Chứng bệnh này đã làm to xương hàm của nữ công tước, mở rộng môi trên và đẩy mũi hếch lên. Bệnh cũng ảnh hưởng đến tay, hốc mắt, trán, cằm và xương đòn của nữ công tước.
Giáo sư Baum cũng cho biết trong trường hợp của nữ công tước có lẽ nó đã tiến triển mạnh mẽ trong những năm cuối đời. Vì vậy có thể trước đó, người phụ nữ cũng đã từng là một người có vẻ ngoài xinh đẹp trước khi bị ảnh hưởng bởi căn bệnh.
Hình ảnh chụp X-quang xương của một bệnh nhân mắc bệnh Paget.
Một điều nữa mà giáo sư Baum cũng xác thực đó là khả năng cao người phụ nữ trong tranh thật sự là một nữ công tước. Dựa trên trang phục và phụ kiện được trình bày trong bức chân dung cho thấy người phụ nữ không phải là người thuộc tầng lớp thấp.
Giáo sư Baum nói: "Tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có một người nghèo nào lại sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để lấy một bức tranh xấu xí như vậy. Các nghệ sĩ cũng cần kiếm sống và có lẽ bức tranh thực sự đã mô tả chính xác”.
Bức tranh đã tạo nên nguồn cảm hứng cho việc tạo ra nữ công tước John Tenniel trong cuốn truyện Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên của Lewis Carroll.
Mặc dù bức tranh Nữ công tước xấu xí có thể là một bức tranh khó thấu cảm, có người thích nhưng cũng có người ghét.. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận vẻ ngoài hấp dẫn của nó thu hút khách tham quan bảo tàng và kích thích các nhà quản lý và sử gia nghệ thuật tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về tác phẩm nghệ thuật.
Bức tranh Nữ công tước xấu xí trở thành cảm hứng cho nhân vật công tước độc ác trong truyện Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên.
Bệnh Paget là gì?
Bệnh Paget ở xương là chứng rối loạn bất thường trong quá trình hình thành và xây dựng cấu trúc xương. Thông thường, các tế bào xương cũ sẽ dần được thay thế bởi các tế bào xương mới. Bệnh Paget có khả năng ngăn chặn quá trình thay thế này
Rất nhiều người mắc bệnh mà không có các triệu chứng. Nếu có, các triệu chứng này có thể bao gồm:
- Đau xương, đau và cứng các khớp, đau cổ;
- Chân trở nên méo mó khác thường;
- Đầu và xương sọ to ra và biến dạng;
- Xương yếu, dễ gãy;
- Đau đầu;
- Suy giảm thính lực;
- Giảm chiều cao;
- Cảm thấy ấm nóng ở vùng da bao quanh vùng xương bị ảnh hưởng.