Núi băng trôi lớn nhất thế giới sắp đâm vào hòn đảo Anh

Núi băng trôi A68a đang hướng về phía đảo Nam Georgia, lãnh thổ hải ngoại của Anh, đe dọa nhiều động vật hoang dã như chim cánh cụt và hải cẩu.

Tảng băng Nam Cực khổng lồ có kích thước bằng đảo Nam Đại Tây Dương. Nhiều khả năng nó sẽ mắc cạn và nằm ở ngoài khơi hòn đảo tập trung nhiều động vật hoang dã. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là mối đe dọa đối với chim cánh cụt và hải cẩu ở địa phương. Những tuyến đường kiếm ăn thông thường của chúng sẽ bị chặn đứng, khiến chúng không thể kiếm đủ thức ăn nuôi con non. Không chỉ vậy, tất cả động vật sống ở đáy biển sẽ bị đè nghiến khi A68a ngừng trôi và cần thời gian rất dài để phục hồi.


A68a có hình dáng giống bàn tay với ngón trỏ đang chỉ thẳng trong ảnh vệ tinh. (Ảnh: Copernicus Data).

"Tất nhiên hệ sinh thái có thể hồi sinh, nhưng mối đe dọa nằm ở chỗ nếu núi băng trôi mắc kẹt, nó có thể lưu lại đó trong 10 năm", giáo sư Geraint Tarling đến từ Tổ chức Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS), cho biết.

Nam Georgia giống như nghĩa địa dành cho những núi băng trôi đồ sộ nhất của Nam Cực. Chúng thường bị các dòng hải lưu mạnh cuốn tới hòn đảo xa xôi, chỉ ngừng trôi sau khi tiến vào vùng nước nông của thềm lục địa bao quanh đảo.

A68a có hình dáng giống bàn tay với ngón trỏ đang chỉ thẳng, cũng di chuyển xuôi theo "hành lang núi băng trôi" từ khi tách khỏi Nam Cực vào giữa năm 2017. Hiện nay, nó chỉ còn cách đảo South Georgia vài trăm kilomet về phía tây nam. Lớn ngang hạt Somerset của Anh (4.200km2), núi băng nặng hàng trăm tỷ tấn nhưng tương đối mỏng (độ sâu của phần chìm dưới nước chỉ khoảng 200m), có nghĩa nó có khả năng trôi dạt vào ven biển South Georgia trước khi dừng lại.

"Một núi băng trôi tới gần có nhiều tác động lớn tới nơi kiếm ăn của những động vật săn mồi sống ở đất liền", giáo sư Tarling giải thích. "Khi nói về chim cánh cụt và hải cẩu trong thời kỳ quan trọng như nuôi con non, khoảng cách chúng phải vượt qua để tìm thức ăn thực sự quan trọng. Nếu chúng phải đi vòng quãng xa, chúng không thể mang thức ăn quay trở lại kịp thời để con non khỏi chết đói".

Khi núi băng trôi A38 dạt vào South Georgia năm 2004, vô số xác chim cánh cụt non nằm trên các bãi biển địa phương. Các nhà nghiên cứu của BAS đang huy động nhiều nguồn tài nguyên để tìm hiểu A68a nếu nó mắc cạn ở một trong những khu vực quan trọng đối với động vật hoang dã ở South Georgia trong trường hợp xấu nhất.

Giáo sư Tarling nhấn mạnh những tác động tiềm ẩn bao gồm nhiều mặt và không phải mọi mặt đều tiêu cực. Ví dụ, núi băng trôi mang theo lượng lớn bụi giúp động vật phù du phát triển, làm lợi cho chuỗi thức ăn. Dù ảnh vệ tinh cho thấy A68a đang tiến thẳng tới South Georgia, nó có thể không mắc cạn. Bất cứ khả năng nào đều có thể xảy ra, theo tiến sĩ Peter Fretwell, chuyên gia cảm biến từ xa và lập bản đồ của BAS. "Dòng hải lưu có thể đẩy núi băng trôi đi theo đường vòng quanh cực nam của đảo South Georgia, sau đó đi dọc mép thềm lục địa và trở lại vùng biển phía tây bắc. Nhưng rất khó nói chính xác điều gì sẽ xảy ra", tiến sĩ Fretwell cho biết.

Cập nhật: 05/11/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video