Núi lửa khổng lồ từng xoá sạch sự sống trên Trái đất

Khoảng 445 triệu năm trước, khoảng 85% sinh vật biển trên Trái đất khi đó đã biến mất sau một sự kiện địa chất. Đây được coi là sự tuyệt chủng hàng loạt ở kỷ Ordovic.

Theo New York Times, sự kiện tuyệt chủng này từ lâu đã được coi là một bí ẩn lớn trong lịch sử Trái đất. Các nhà khoa học từ lâu đã tranh luận về nguyên nhân của nó, vì những sự kiện tuyệt chủng hàng loạt hàng khác đều đã có lời giải thích rõ ràng.

"Sự kiện tuyệt chủng ở Kỷ Ordovic luôn là điều gì đó kỳ lạ", ông Stephen Grasby đến từ Cục Khảo sát Địa chất Canada nhận định.

Kỷ Ordovic là kỷ thứ hai trong số sáu kỷ của đại Cổ Sinh. Nó diễn ra sau Kỷ Cambri và ngay sau nó là Kỷ Silur.

Giờ đây ông Grasby và cộng sự là giáo sư David Bond đến từ Đại học Hull của Anh cho rằng họ đã tìm được lời giải cho sự kiện bí ẩn này, và công bố kết luận của mình vào tháng trước trên tạp chí khoa học Geology.

Theo họ, các vụ phun trào núi lửa diễn ra đồng loạt trên khắp Trái đất đã giải phóng đủ lượng carbon dioxide để làm nóng hành tinh và kích hoạt 2 làn sóng tuyệt chủng xảy ra trên Trái đất chỉ cách nhau 1 triệu năm.

Nếu điều này là đúng, thì sự kiện tuyệt chủng ở Kỷ Ordovic cũng tương đồng với những sự kiện tuyệt chủng còn lại vì đều có nguyên nhân đến từ sự nóng lên toàn cầu.


Mô tả hình ảnh về đời sống dưới đại dương ở Kỷ Ordovic, trong khoảng từ 485,4 đến 443,8 triệu năm trước đây. (Ảnh: New York Times).

Ông Bond và ông Grasby đưa ra giả thiết của họ sau khi thu thập những hòn đá thuộc Kỷ Ordovic từ một dòng suối nhỏ ở miền nam Scotland. Chúng sau đó được vận chuyển đến Vancouver, Canada để nghiên cứu. Họ phát hiện rằng khi tác động nhiệt, những hòn đá giải phóng một lượng lớn thuỷ ngân - dấu hiệu cho thấy chúng đến từ một vụ phun trào núi lửa.

Những hòn đá cũng toả ra molypdenum và uranium - thông tin địa hoá gợi ý rằng các đại dương đã không còn oxy. Nguyên nhân hợp lý nhất là do Trái đất nóng lên nhanh chóng, khiến các đại dương không còn oxy, và các sinh vật biển bị chết ngạt.

"Hãy tưởng tượng nó như một chai Coca-cola. Nếu bạn cất nó trong tủ lạnh thì nó sẽ vẫn còn ga, nhưng nếu bạn để nó trên một chiếc bàn giữa trời nắng, thì ga sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi chất lỏng. Và bạn chỉ còn lại một chai Coca không có ga", ông Bond giải thích.

Theo hai nhà khoa học, rất có thể là vào thời kỳ này, lớp vỏ Trái đất bắt đầu nứt ra, và những dòng nham thạch phun trào từ khắp nơi. Quá trình này khiến một lượng lớn khí carbon dioxide và thuỷ ngân được giải phóng, dẫn tới việc Trái đất nóng lên nhanh chóng.

Nếu giả thuyết này đứng vững, sự kiện tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên sẽ có nguồn gốc tương đồng với những sự kiện khác. Đối với một số nhà khoa học, điều này sẽ khiến họ có nhiều động lực hơn để nghiên cứu về những sự kiện tuyệt chủng này - thứ sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về tác động của con người ngày nay, vì chúng ta cũng giải phóng khí carbon dioxide và các khí nhà kính khác vào khí quyển.

Mặc dù khó tin, nhưng theo ông Seth Finnegan, nhà cổ sinh vật học tại Đại học California, Berkeley, con người đang thải khí nhà kính ở mức tương đương hoặc nhiều hơn các sự kiện tuyệt chủng từng diễn ra trước đây trên Trái đất.

Cập nhật: 15/06/2020 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video