Nước nghèo khó tiếp cận vaccine phòng cúm H1N1

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố thử nghiệm lâm sàng thành công vaccine phòng cúm A/H1N1 trên người. Kể từ khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát và trở thành đại dịch toàn cầu, một cuộc chạy đua với thời gian đã diễn ra tại nhiều nước, nhiều hãng dược phẩm trên thế giới để có thể nhanh chóng tìm ra vaccine phòng căn bệnh nguy hiểm này.

Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Trần Chúc cho biết, kết quả thử nghiệm lâm sàng trên 1.614 người tình nguyện từ 3 tuổi đến tuổi trưởng thành cho thấy, đã xuất hiện phản ứng miễn dịch với virus cúm A/H1N1 ở tất cả những người tình nguyện. Cuộc thử nghiệm được tiến hành hôm 15/8 vừa qua, và theo các nhà khoa học Trung Quốc, chỉ cần 1 mũi tiêm như vậy là đủ.

(Ảnh minh họa: Trendsupdates)

Với thành công này, nhà chức trách Trung Quốc hy vọng từ nay đến cuối tháng 10, tất cả những người có nguy cơ nhiễm dịch cao sẽ được ưu tiên tiêm loại vaccine này.

Sản xuất vaccine là một trong những ưu tiên hàng đầu của chiến dịch đối phó với dịch cúm A/H1N1 kể từ khi dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát cuối tháng 4 vừa qua và đang tiếp tục lây lan mạnh. Ngay từ tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cung cấp các mẫu virus chuẩn cho một số nước để nghiên cứu bào chế vaccine phòng virus cúm A/H1N1, Australia là nước đầu tiên trên thế giới thử nghiệm vaccine phòng cúm A/H1N1 ở người ngày 22/7. Và tháng 8 này chứng kiến các cuộc thử nghiệm rầm rộ tại nhiều nước: Anh, Mỹ, Đức… Canada thì thông báo, sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc vào tháng 11 tới.

Công nghệ sản xuất vaccine cúm A/H1N1 đã đạt những tiến bộ đáng kể trong thời gian qua, mà tiến bộ mới nhất là công nghệ nano có thể giúp rút ngắn một nửa thời gian từ 5-6 tháng theo phương pháp truyền thống xuống còn chưa đầy 3 tháng. Tuy nhiên, vấn đề gây lo ngại hiện nay là sự mất cân đối trong khả năng tiếp cận các nguồn vaccine mới, chẳng hạn như châu Á là khu vực tập trung tới 1/3 dân số thế giới, nhưng 90% việc sản xuất vaccine cúm của toàn thế giới lại tập trung ở châu Âu và Mỹ. Vấn đề này càng bức bách hơn tại các nước đang phát triển, nơi không đủ ngân sách cho việc mua vaccine từ các hãng dược phẩm lớn.

Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng: “Nghèo đói sẽ cản trở những nước nghèo tiếp cận với vaccine phòng cúm A/H1N1, do các công ty dược phẩm có xu hướng chỉ chú trọng sản xuất vaccine mới cho các nước giàu”.

Trong một khuyến cáo vừa được đưa ra tuần qua, WHO đã cảnh báo về tình trạng "quá tải" đơn đặt hàng vaccine phòng cúm A/H1N1. Do WHO không phải là cơ quan tài trợ, nên nỗ lực của tổ chức này đang được thực hiện theo hướng kêu gọi các hãng dược phẩm đóng góp ít nhất 10% sản lượng vaccine mới, hoặc bán với giá thành thấp hơn cho các nước nghèo. WHO cũng đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thành công vừa đạt được.

Ông Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO: "Chúng tôi sẽ rất hoan nghênh một sáng kiến phân phối công bằng loại vaccine này để hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển từ phía Chính phủ Trung Quốc".

Tuy nhiên WHO lưu ý, mặc dù nhu cầu vaccine đang rất cấp thiết và việc thử nghiệm chưa được tiến hành lâu dài và rộng rãi, vẫn cần đề cao tính an toàn và chất lượng của vaccine. WHO cũng khuyến cáo các nước tiếp tục thử nghiệm khi vaccine bắt đầu được sử dụng. Theo thống kê mới nhất, số người nhiễm virus cúm A/H1N1 trên toàn thế giới tính đến nay đã vượt 250.000 người, trong đó hơn 2.500 người đã thiệt mạng.

Theo Hương Linh - VTV
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video