Nuôi cấy thịt gia súc

Thịt gia súc nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành nông nghiệp toàn thế giới.

Chỉ trong 10 năm nữa, con người có thể thoải mái ăn thịt gia súc mà không sợ mắc bệnh truyền nhiễm hoặc gặp phải thịt nhiễm độc. Không những thế, con người còn thoát được “tội sát sinh” và môi trường trái đất cũng được bảo vệ tốt hơn. Nghe có vẻ như trong tiểu thuyết viễn tưởng, nhưng nhóm chuyên gia đang đi tiên phong trong lĩnh vực nuôi cấy thịt gia súc trong phòng thí nghiệm khẳng định: Phát kiến của họ có thể thay đổi chế độ ăn uống trên toàn cầu trong vòng 1 thập niên nữa.

Ích lợi của thịt cấy

Thịt gia súc nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ có mặt trên thị trường thế giới trong 10 năm tới (Ảnh: Ziua)

Hãng tin CNN dẫn lời nhà khoa học Jason Matheny thuộc nhóm nghiên cứu New Harvest (Mỹ) cho biết: thịt gia súc nhân tạo có rất nhiều ưu điểm. “Chúng ta có thể kiểm soát một cách chính xác lượng mỡ trong thịt. Chúng ta có thể tạo ra thịt bò với tỷ lệ a-xít béo lý tưởng”, ông Matheny nói.

Công nghệ sản xuất thịt và chăn nuôi gia súc hiện là một trong những nguồn gây ra nhiều căn bệnh cho con người, như cúm gia cầm, bệnh bò điên, nguồn gây nhiễm khuẩn salmonella. Các nhà khoa học cam đoan sản phẩm thịt cấy của họ được tạo ra trong một môi trường vô rùng, điều kiện mà những trại chăn nuôi hoặc lò sát sinh không bao giờ có được.

Quy trình sản xuất thịt thông thường cũng tạo ra gánh nặng đối với môi trường. Tác động của ngành chăn nuôi đối với sự thay đổi khí hậu toàn cầu đã được nêu rõ trong báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc. Các tổ chức như Greenpeace và Friends of the Earth đã chứng minh chuyện những cánh đồng trồng đậu nành để phục vụ cho việc nuôi gia súc đã góp phần tàn phá rừng Amazon. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu ban đầu của Đại học Oxford (Anh) cho thấy thịt gia súc cấy sẽ giảm hơn 80% lượng khí thải carbon so với chu trình sản xuất thịt bình thường.

Lợi nhuận khổng lồ

Như vậy làm sao để sản xuất được thịt gia súc nhân tạo? Nhóm của ông Jason Matheny cho hay thịt cấy sẽ được tạo từ các mẫu của động vật đã bị giết thịt theo cách thông thường. Ví dụ, “thịt heo” được làm từ buồng trứng của heo nái đã được thụ tinh với tinh trùng heo tại lò mổ, sau đó biến trứng thành dạng phôi thai. Lúc đó các nhà khoa học sẽ đặt chúng vào môi trường đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng và phát triển.

Ngoài những lợi ích thiết thực cho sức khỏe con người và môi trường, động lực chính đằng sau cuộc nghiên cứu thịt cấy chính là lợi nhuận khủng khiếp của ngành khai thác thịt gia súc. Theo thống kê của New Harvest, ước tính thị trường thịt trên toàn cầu đang tạo ra doanh thu 1.000 tỉ USD/năm, và nhu cầu này dự tính sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Nhà nghiên cứu Matheny cũng cho biết tập đoàn đầu tư tài chính Kleiner Perkins Caufield & Buyers (Mỹ) tỏ vẻ hứng thú với dự án khoa học của ông, trong khi Stegman - công ty cung cấp xúc xích cho tập đoàn thực phẩm Sara Lee - hiện là đối tác của New Harvest. Chính phủ Hà Lan cũng đã đầu tư khoảng 4 triệu USD vào công trình nghiên cứu thịt gia súc nhân tạo.

Xem ra, điều còn lại khiến giới khoa học lo lắng chính là phản ứng của người tiêu dùng. Liệu họ có đồng ý đổi miếng thịt lấy từ một con bò được nuôi theo cách bình thường để lấy dòng “thực phẩm Frankenstein”?

Theo Thụy Miên - Thanh niên online
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video