Thay vì phải chăn nuôi động vật để lấy thịt, một số nhà khoa học đang thử nghiệm việc "nuôi" thịt trong phòng thí nghiệm.
Một ngày nào đó, nhân loại sẽ dùng loại thịt được “nuôi” trong xưởng sản xuất? Tương lai thì chưa biết, nhưng hiện giờ, TS Vladimir Mironov (ĐH Y Nam Carolina) đang nuôi “thịt” trong phòng thí nghiệm. Việc nghiên cứu này đã được tiến hành suốt một thập kỷ nay.
TS Mironov – Giám đốc Trung tâm nuôi cấy mô của Khoa sinh học tế bào và y học tái tạo thuộc ĐH Y Nam Carolina – là một trong số ít các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu kỹ thuật “nuôi cấy” thịt – một sản phẩm mà ông tin có thể giải quyết khủng hoảng thực phẩm toàn cầu vì thiếu đất chăn nuôi.
|
Sản phẩm đầu tiên của thịt nuôi cấy chỉ trông giống thịt băm, các nhà nghiên cứu đang cố gắng tạo ra tảng thịt với đầy đủ mô cơ. Tổ chức PETA trao thưởng 1 triệu USD cho nhà khoa học đầu tiên sản xuất và thương mại hóa được thịt nuôi cấy. (Ảnh: Peta) |
Nuôi cấy thịt cũng đang được xúc tiến tại Hà Lan nhưng ở Mỹ, vẫn chưa có nhu cầu cũng như kinh phí cho lĩnh vực này – TS Mironov cho biết. Viện quốc gia về Thực phẩm và Nông nghiệp Mỹ từ chối cấp vốn; Viện Sức khỏe Quốc gia cũng nói không và Cục quản lý Hàng không và Vũ trụ chi rất khiêm tốn, Mironov nói.
“Để đưa một công nghệ mới ra thị trường tốn trung bình 1 tỉ USD thì chúng tôi thậm chí cần chưa đến 1 triệu USD”, Mironov chia sẻ. “Bạn muốn loại thịt đó có vị như thế nào? Vị của thịt heo hay thịt cừu non? Chúng tôi sẽ tạo ra chính xác thứ mà bạn muốn bằng cách thiết kế kết cấu của chúng”, Mironov nói.
TS Mironov đã lấy từ gà tây những myoblast (tế bào phôi phát triển thành mô cơ) và “nuôi” chúng trong hỗn hợp dưỡng chất gọi là bovine serum để phát triển mô cơ xương động vật.
Nhóm nghiên cứu của ông cũng đang tìm cách thêm chất béo, hệ thống mạch máu vào các tế bào thịt được nuôi cấy để chúng có thể nhận oxy và phát triển thành một miếng thịt hoàn chỉnh, thay vì một mảnh mô cơ mỏng.
Thịt “nuôi cấy” có thể rẻ hơn thịt từ nông trại. Nếu công chúng chấp nhận thịt “nuôi cấy”, nó sẽ là món hàng sinh lợi. Nicholas Genovese, thuộc Tổ chức đối xử nhân đạo với động vật (PETA), nơi đang cấp tiền để điều hành phòng thí nghiệm nuôi cấy thịt của TS Mironov cho biết.
Theo lập luận của N. Genovese, động vật cần 1,4 – 3,6kg dưỡng chất để tạo ra 450 gram thịt. Đó là chưa tính đến 30% bề mặt trái đất dành cho việc chăn nuôi, chế biến thịt. Như vậy rất không hiệu quả, chúng tiêu tốn thức ăn và tạo ra chất thải. “Hơn nữa, nếu con người tiến hành khai phá các hành tinh khác, chúng ta phải cần đến thịt “nuôi cấy” chứ không thể mang cả một chú bò ra ngoài vũ trụ”.
Tuy nhiên, Genovese thừa nhận: “Con người sẽ kinh hoàng nếu biết rằng thịt họ ăn được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Họ không thích kết hợp công nghệ với thực phẩm”, nhưng ông cũng nói thêm là “Chúng ta phải thấy những ý tưởng này như một sự phát triển. Nếu không chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ. Cách đây 15 năm, có ai đã hình dung đến điện thoại iPhone hay chưa?”