Người dân tại một nửa số thành phố châu Âu mất ngủ, giảm khả năng học tập và bị tăng huyết áp vào ban đêm vì tiếng ồn của các phương tiện giao thông.
Xe cộ trên một đường cao tốc ở thành phố Berlin, Đức. Ảnh: lilano.de.
Theo một báo cáo mới được công bố của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), hơn 41 triệu người dân tại 19 nước của lục địa già đang phải hứng chịu những âm thanh có độ lớn từ 55 decibel trở lên. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định đó là ngưỡng có thể gây nên nhiều tác động xấu tới sức khỏe con người.
Trong số các thủ đô của châu Âu thì thành phố Bratislava của Slovakia là nơi có tỷ lệ dân hứng chịu ô nhiễm tiếng ồn cao nhất (55%), tiếp theo là Warsaw (Ba Lan) và Paris (Pháp).
EEA khẳng định khoảng 3,6 triệu người dân thành phố phải đối mặt với những tiếng ồn có độ lớn từ 70 decibel trở lên. Hồi đầu năm cơ quan này từng dự tính rằng khoảng 67 triệu cư dân đô thị tại 27 nước Liên minh châu Âu (EU) phải sống chung với những tiếng ồn có độ lớn trên 55 decibel.
“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, ngoài việc phá vỡ giấc ngủ, tiếng ồn từ các phương tiện giao thông có thể tác động xấu tới hệ tim mạch, hệ thần kinh và khả năng học tập”, Oscar Romero, một phát ngôn viên của EEA, nói.
Trong các dạng ô nhiễm môi trường thì tiếng ồn được các chính phủ và người dân chú ý muộn nhất.
“Nếu so sánh mức độ quan tâm của dư luận đối với hiệu ứng nhà kính, chất lượng không khí và ô nhiễm âm thanh thì rõ ràng ô nhiễm âm thanh chỉ mới được quan tâm”, Romero nhận định.
Theo Romero, giới khoa học đang tỏ ra chậm trễ trong nỗ lực nghiên cứu tác động của tiếng ồn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.