Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại Học viện Dartmounth tại TP Hanover thuộc bang New Hampshire nêu triển vọng bào chế vắc-xin phòng ung thư từ một loại ký sinh trùng có trong phân mèo.
Các nhà khoa học quan sát ký sinh trùng đơn bào tên Toxoplasma gondii (T. gondii) khu trú trong ruột của nhiều loại động vật máu nóng và đặc biệt là mèo.
T. gondii có thể gây bệnh nhiễm ký sinh trùng (tomoplasmosis) với khả năng có những triệu chứng giống như cúm. Một vài dạng nặng xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu với khả năng tổn thương não và mắt. Tuy nhiên, phần đông người nhiễm T. gondii không có triệu chứng gì. Con người có thể bị nhiễm T gondii do ăn thức ăn chưa chín kỹ, ăn thịt hoặc uống nước bị nhiễm ký sinh trùng và đặc biệt là tiếp xúc với phân mèo.
Tuy nhiên, đặc trưng đáng lưu ý nhất của T. godii, theo TS David J. Bzik và cộng sự, là công dụng kháng ung thư. Họ giải thích rằng khi ký sinh trùng này vào cơ thể, các tế bào chống ung thư hoạt động hiệu quả hơn - như các tế bào cytotoxic T được sản sinh do phản ứng của cơ thể và T.gondii có thể giúp khởi động lại hệ miễn dịch đã bị ung thư làm đình trệ.
Nhóm nghiên cứu xem xét biến đổi T.gondii, xem đó như “anh hùng siêu mạnh” có thể ngăn chặn ung thư phát triển. Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng có thể tiêm một dòng ký sinh trùng này cho bệnh nhân ung thư đang có hệ miễn dịch yếu mà không gây hại cho người bệnh.
Dòng ký sinh trùng này được họ gọi là “cps” có thể trở thành một dạng vắc-xin phòng ngừa và điều trị ung thư an toàn. Khi thử nghiệm cps trên chuột bị ung thư da và ung thư buồng trứng, tỷ lệ sống sót của chuột được điều trị tăng lên đáng kể. Nhóm nghiên cứu cho rằng vắc-xin cps đã kích hoạt hiệu quả miễn dịch trị liệu một cách đáng kinh ngạc, tối ưu hơn tất cả các liệu pháp trước đây.