Hai loài nhái bí ẩn vừa được các nhà khoa học của Việt Nam phối hợp với các nhà khoa học Nga, Đức và Trung Quốc ghi nhận tại Ninh Thuận và Đắk Lắk.
Loài nhái bầu mới được phát hiện tại Ninh Thuận, Việt Nam. (Ảnh: Vast.gov.vn).
Theo các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hai loài nhái bầu vừa được phát hiện tại Việt Nam được đặt tên theo địa danh phân bố tự nhiên của chúng là: nhái bầu Ninh Thuận (Microhyla ninhthuanensis) và nhái bầu Đắk Lắk (Microhyla daklakensis).
Đây là hai loài nhái thuộc nhóm nhái bầu Hây-môn (Microhyla heymonsi), có kích thước rất nhỏ, con cái trưởng thành chỉ đạt 2,26-2,36cm, con đực nhỏ hơn 1,73-18,88cm.
Do đây đều là những loài bí ẩn thuộc nhóm loài phức tạp, có hình thái tương đồng nên để phân biệt hai loài này, các nhà nghiên cứu đã dựa trên phân tích tổ hợp dữ liệu di truyền phân tử và thống kê các chỉ số hình thái sai khác. Qua đó, khẳng định đây là hai loài khác nhau đồng thời là hai loài nhái mới cho khoa học.
Loài nhái bầu mới được phát hiện tại Đắk Lắk. (Ảnh: Vast.gov.vn).
Dù vậy, theo các nhà khoa học, vẫn còn nhiều điều bí ẩn cần làm rõ với hai loài nhái này cũng như nhóm nhái bầu Hây-môn nói chung. Ngay cả phạm vi phân bố của loài cũng chưa rõ ràng cần nghiên cứu sâu hơn nữa.
Việc phát hiện ra hai loài nhái bí ẩn tại Ninh Thuận và Đắk Lắk đã làm phong phú thêm số loài nhái sống tại Việt Nam. Phát hiện này của nhóm các nhà khoa học Việt, Nga, Đức và Trung Quốc đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế chuyên ngành Zookeys vào ngày 5/5/2021.