Phát hiện chuột đá “tuyệt chủng 11 triệu năm”

Sau khi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được mở rộng, giới khoa học đã phát hiện loài thú được cho là đã tuyệt chủng từ 11 triệu năm trước.

Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Đinh Huy Trí mới đây đã trao đổi với PV về sự tồn tại của một loài thú nhỏ được cho là "dòng dõi" của loài thú cổ đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm.

"Hóa thạch sống" này là Chuột đá Trường Sơn có tên khoa học là Laonastes aenigmamus, thuộc giống Laonestes. Đây là đại diện sống duy nhất của họ thú cổ Diatomyidae được xem là đã tuyệt chủng.

Phát hiện về chuột đá Trường Sơn vào năm 2011 khi VQG Phong Nha- Kẻ Bàng được mở rộng. Năm 2012, các nhà khoa học ghi nhận dòng dõi của mẫu Chuột đá Trường Sơn này.

Việc phát hiện loài Chuột đá Trường Sơn là một trong các ghi nhận quan trọng về đa dạng sinh học của VQG và của thế giới, khẳng định nhóm động vật này không chỉ sinh sống giới hạn ở Lào mà còn cả ở Việt Nam.

Phát hiện này đã bổ sung vào danh lục Thú Việt Nam lên đến 322 loài.


Chuột đá Trường Sơn. (Ảnh: Pháp Luật Việt Nam)

Những phát hiện trên đây đã gây được sự chú ý đặc biệt đối với các nhà sinh học của Việt Nam và thế giới. Kết quả nghiên cứu đã góp phần bảo tồn có hiệu quả một số loài động thực vật bản địa quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng tự nhiên, đóng góp thêm nhiều thông tin và cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo điều hành trong quản lý bảo vệ.

Mẫu Chuột đá Trường Sơn là cùng giống với Chuột đá Lào đã được hai nhà khoa học M.F. Robinson và R.J. Timmins thuộc Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế (FFI) phát hiện, theo báo Pháp luật Việt Nam.

Vào năm 2000, hai nhà khoa học trên đã thu được 12 mẫu của một loài thú gặm nhấm rất kỳ lạ có tên địa phương là “kha nượu” do người dân bày bán ở chợ thuộc huyện Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Lào)… Các mẫu trên rất nhanh chóng được chuyển đến Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) để phân tích.

Nhóm nghiên cứu của nhà nữ sinh vật Paulina D. Jenkins nhận thấy, chúng hoàn toàn khác xa với các loài thú gặm nhấm hiện đại khác trên thế giới. Bởi vậy, họ đã xếp loài thú này vào một họ mới (tên khoa học là Laonestidae), giống mới (Laonestes) và loài mới (Aenigmanus) với tên tiếng Anh là Laotian Rock Rat, tức là Chuột đá Lào vào năm 2005.


Họa đồ hóa thạch loài Diatomys shantungensis (nguồn Dawson et al. 2006). (Ảnh: Nghiên cứu về loài gặm nhấm hóa thạch sống /Tạp chí Sinh học năm 2012).

Một năm sau, nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Dawson đã tiến hành so sánh các đặc điểm hình thái của loài thú mới này với các hóa thạch gặm nhấm cổ đại. Nghiên cứu khoa học phát hiện rằng, Chuột đá Lào chính là đại diện còn sống duy nhất của họ thú cổ Diatomyidae đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Bởi vậy, Chuột đá Lào được xem là “hóa thạch sống” của họ Diatomyidae.

Đến tháng 9/2011, FFI thông báo đã phát hiện Chuột đá Lào ở vùng rừng núi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (địa phận xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) và đây là “thủ phủ” của chúng. Công bố này là một bí ẩn gây chấn động khoa học nghiên cứu động vật và mọi ánh mắt bắt đầu đổ dồn về Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.

Nhưng các kết quả phân tích so sánh đặc điểm hình thái (chiều dài các bộ phận cơ thể như đuôi, thân đầu, sọ, xương chẩm…) và các xét nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu khác, nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, quần thể chuột đá ở Phong Nha – Kẻ Bàng là loài mới, mặc dù đều cùng một giống Laonastes nhưng độc lập với Chuột đá Lào.

Do đó, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã đặt tên cho loài thú huyền bí này là “Chuột đá Trường Sơn” (Annamite Rock Rat) để khẳng định sự khác biệt đó.

Theo các nhà khoa học Việt Nam, loài Laonastes aenigmamus còn được xem là một hiện tượng "hiệu ứng hồi sinh" (lazarus effect) của họ Diatomyidae. Hiệu ứng hồi sinh là một hiện tượng liên quan đến các phát hiện hóa thạch sinh vật, nói về sự tái xuất hiện của một bậc phân loại sau một thời gian dài hàng triệu năm không có ghi nhận và được xem là đã bị tuyệt chủng.

Việc phát hiện ra chuột đá Trường Sơn, đại diện sống của họ Diatomyidae bị cho là tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm là một ví dụ điển hình về hiệu ứng hồi sinh rất hiếm gặp ở các loài thú.


Chuột đá Lào.

Chuột đá Trường Sơn là loài chuột mà người đồng bào Rục tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đã từng bẫy bắt được và sử dụng như một nguồn thực phẩm của họ trong thời gian thiếu thức ăn ở các khu vực chân núi đá vôi và cả trong một số hang núi trên sườn dốc cao của dãy Trường Sơn.

Đây là nhóm tộc người ít ỏi được Bộ đội Biên phòng phát hiện vào năm 1959. Lúc ấy, người Rục sinh sống hoang dại giữa đại ngàn miền Tây Quảng Bình. Họ lấy hang đá làm nhà, bột nhúc, bột cây đoác thay cơm, lấy thú rừng, cá khe làm thực phẩm, vỏ cây rừng làm quần áo. Lời một người đồng bào Rục cho biết, chuột đá Trường Sơn được người Rục gọi là ninh cùng, vị của loài chuột này khá đắng nhưng vẫn được người đồng bào lựa chọn trong lúc đói khổ. Nhưng sau khi biết cấy lúa, làm nương và nuôi cấy, họ đã không cần đến "nguồn thực phẩm" này nữa.

Chưa có ghi nhận nào về sự tồn tại của chuột đá Trường Sơn kéo dài suốt 11 triệu năm qua, dù chúng đang sinh sống trong vùng phân bổ tự nhiên của tổ tiên chúng. Hiện nay vùng sinh sống của chuột không vượt quá 500.000 ha trong vùng giao thoa của vùng đệm VQG Phong Nha- Kẻ Bàng, lại chịu áp lực mạnh của việc bẫy bắt, sự quấy nhiễu và suy thoái sinh cảnh do sự khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy của người dân địa phương.

Cập nhật: 31/01/2020 Theo Đất Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video