Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một đền thờ Mặt Trời khổng lồ 3.000 năm tuổi ở khu vực tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc.
Đền thờ Mặt Trời cổ nhìn từ trên cao.
Theo Sina, đền thờ Thời đại đồ đồng này sử dụng cho mục đích thờ Mặt Trời, được phát hiện lần đầu vào năm 1993, nhưng các cuộc khai quật chỉ mới được bắt đầu từ cuối năm ngoái. Kết quả khai quật cho thấy cấu trúc của đền thờ này có những điểm tương đồng với những đền thờ mà trước đây chỉ được nhìn thấy ở xa hơn về phía tây của vùng đồng bằng Âu Á.
Các đền thờ Mặt Trời này được các bộ tộc du mục, từng rong ruổi trên thảo nguyên Á Âu rộng lớn, xây dựng. Tuy nhiên, trước đây các nhà khảo cổ chưa từng phát hiện một đền thờ trời nào ở phía Đông.
Liu Chuan-ming, một trong những nhà khảo cổ nghiên cứu địa điểm này, cho hay phát hiện này chứng minh rằng nền văn hóa cổ đại ở Tân Cương có những điểm tương đồng nổi bật với các khu vực khác ở Trung Á.
“Nó cho thấy văn hóa Trung Nguyên đã đến được chân dãy núi Thiên Sơn ở thảo nguyên Bayanbulak, khiến Con đường Tơ lụa có thể đi tới tận cùng đất nước”, ông Liu Chuan-ming nói.