Loài vẹt sống ở New Zealand cách đây 19 triệu năm và sử dụng chiếc mỏ to lớn để mổ thức ăn, được cho là lớn nhất thế giới.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy hóa thạch của loài vẹt cổ đại cao hơn một mét và nặng khoảng 7 kg gần thị trấn St. Bathans ở vùng Central Otago, New Zealand. Khu vực này tập trung nhiều hóa thạch chim có niên đại từ thế Trung Tân cách đây 2,3 - 5,3 triệu năm. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biology Letters hôm 6/8.
Heracles inexpectatus là loài vẹt lớn nhất thế giới từng được phát hiện. (Ảnh: CNN).
Theo Trevor Worthy, phó giáo sư ở Đại học Flinders, tác giả nghiên cứu, trước đây giới nghiên cứu chưa từng phát hiện hóa thạch nào của vẹt khổng lồ đã tuyệt chủng. Ông và cộng sự đặt tên cho loài vẹt mới là Heracles inexpectatus dựa theo kích thước và sức mạnh của nó. Đặc điểm đáng chú ý nhất ở hóa thạch H. inexpectatus là chiếc mỏ to khỏe giúp con vật mổ mọi loại thức ăn.
"Độ hiếm hoi của hóa thạch H. inexpectatus trong lớp trầm tích là điều chúng tôi có thể dự đoán bởi nó ở vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn", Mike Archer, giáo sư ở Đại học New South Wales, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Ở thời kỳ H. inexpectatus sinh sống, bao quanh nó là những cây nguyệt quế và cọ trong rừng cận nhiệt đới, cung cấp trái cây đa dạng đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn của H. inexpectatus. Loài vẹt này có kích thước tương đương bồ câu khổng lồ trên quần đảo Mascarene ở phía đông Madagascar và gấp hai lần kakapo, loài vẹt lớn nhất còn sống ngày nay ở New Zealand.