Phát hiện hợp chất trong rau và thuốc hóa trị có tác dụng làm chậm lão hóa

Chúng ta đã tìm ra nguyên nhân khiến cho các tế bào già đi. Những thứ như tổn thương DNA, sự rút ngắn nhiễm sắc thể và thiếu khả năng tăng sinh có thể làm cho các tế bào đóng cửa - chúng không chết, nhưng ngừng phân chia và chỉ ở yên một chỗ.

Tuy nhiên, sự thật là chúng ta không có một ý tưởng thuyết phục nào giải thích sự già đi của một sinh vật. Nó có thể là hiệu ứng tích lũy của rất nhiều tế bào đã già đi, hoặc có thêm một thứ gì đó tham gia vào quá trình đếm ngược tuổi tác.

Bây giờ, nghiên cứu mới đã hé lộ một phần của câu trả lời, rằng đó có thể là sự kết hợp của cả hai giả thuyết. Thử nghiệm trên chuột tìm ra một số lượng nhỏ các tế bào lão hóa kích thích sự già đi của chúng. Ý tưởng là nếu tìm ra một loại thuốc nhắm mục tiêu vào các tế bào này, chúng ta có thể ngăn chặn được quá trình lão hóa.

Thử nghiệm 2 loại thuốc như vậy trên chuột, các nhà khoa học đã thấy chúng giảm được tỷ lệ tử vong và một số triệu chứng liên quan đến tuổi tác. Tuổi thọ trung bình của những con chuột đã tăng thêm 36%.


Chúng ta không có một ý tưởng thuyết phục nào giải thích sự già đi của con người và sinh vật nói chung.

Điều gì sẽ xảy ra khi tiêm tế bào già vào những con chuột trẻ?

Các tế bào liên tục bị tổn thương, hoặc vì tiếp xúc với môi trường hoặc vì chính các phụ phẩm sau quá trình trao đổi chất chúng tạo ra. Nếu thiệt hại đạt tới mức cực kỳ nghiêm trọng, tế bào sẽ phản ứng bằng cách tự sát với một cơ chế gọi là apoptosis. Điều này đảm bảo nó sẽ không trở thành một kẻ phá hoại trong cơ thể, gây ra các thiệt hại liên hoàn vì mất kiểm soát các hoạt động lỗi.

Nếu các thiệt hại ở mức thấp hơn, chúng không tự sát nhưng sẽ già đi. Khi đó, tế bào vẫn sống, vẫn hoạt động và tham gia vào các chức năng bình thường của nó. Nhưng một khi tế bào già và lỗi, nó sẽ không phân chia nữa.

Khi tuổi tác của động vật gia tăng theo thời gian, ngày càng có nhiều tế bào bị tổn hại và phải đi vào giai đoạn lão hóa. Chính quá trình này đóng góp một phần vào sự già đi của cả cơ thể sinh vật.

Nhưng không chỉ tự cô lập mình như chúng ta nghĩ trước đây, các tế bào lão hóa cũng tiết ra một tập hợp phân tử tín hiệu có thể gây ảnh hưởng lên các tế bào khác, bao gồm một số tế bào gây viêm. Nghiên cứu mới tập trung vào các phân tử tín hiệu này có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quá trình lão hóa trong cơ thể, từ đó tìm cách ngăn chặn nó.

Trong thí nghiệm của mình, các nhà khoa học đã sử dụng thuốc và phóng xạ để phá hủy DNA, làm lão hóa tế bào của một con chuột. Sau đó họ trích các tế bào lão hóa này và cấy nó vào những con chuột khỏe mạnh khác. Tế bào chất béo được lựa chọn, bởi chúng thường không kích hoạt phản ứng miễn dịch, nên có thể tồn tại trong cơ thể những con chuột mới.

Theo dõi sát những con chuột vào những thời điểm khác nhau sau cấy ghép, nhóm nghiên cứu đã đo một loạt các đặc điểm thể chất thay đổi theo độ tuổi, ví dụ như: tốc độ di chuyển trung bình, sức mạnh cơ bắp, sức bền trên bánh xe chạy bộ, thời gian vận động, lượng thức ăn và trọng lượng cơ thể.

Họ nhận thấy một số chỉ tiêu này không thay đổi sau khi các tế bào lão hóa được cấy vào. Nhưng một tháng sau đó, những con chuột trẻ rõ ràng đã bị suy giảm sức mạnh, tốc độ đi bộ, độ bền và sức chịu đựng của chúng đều giảm đi đáng kể.

Sự thay đổi này xảy ra mặc dù tỷ lệ tế bào già trong cơ thể chuột chỉ ở ngưỡng 1/10.000. Rõ ràng, điều này chứng tỏ rằng các tế bào đã làm cách nào đó để tác động với các tế bào khỏe mạnh xung quanh chúng, tạo ra một sự suy giảm liên hoàn.


Tế bào bạch cầu khi khỏe mạnh (bên trái) và khi nó đi vào quá trình tự sát apoptosis.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu nhận thấy khi cấy các tế bào già từ chuột khác vào cơ thể, chúng đã làm cho một số tế bào của động vật trẻ trở nên già đi, khuếch đại hiệu ứng của chúng. Các thí nghiệm khác cho thấy các tế bào cấy ghép có tác dụng mạnh hơn ở những con chuột già hơn hoặc ăn một chế độ ăn nhiều chất béo.

Đối với những con chuột đã lớn tuổi còn nhận tế bào lão hóa được cấy ghép, chúng đều bị tăng nguy cơ tử vong. Nguy cơ tử vong tăng gấp 5,2 lần mà không thể giải thích bởi bất kể lý do hay bệnh lý nào. Cấy tế bào già hóa khiến sức khỏe những con chuột giảm xuống.

Làm chậm quá trình lão hóa

Ý tưởng để làm chậm quá trình lão hóa mà các nhà nghiên cứu quan sát được cũng rất đơn giản. Họ dùng 2 loại hóa chất kết hợp để giết chết các tế bào lão hóa. Nghĩa là thay vì để chúng tồn tại và ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác, hãy đưa chúng vào quá trình tự sát như apoptosis.

Hóa chất thứ nhất mà các nhà khoa học sử dụng có tên gọi là quercetin, được tìm thấy trong rất nhiều loại thực vật (bất kỳ ai ăn rau quả đều nạp vào cơ thể một lượng quercetin mỗi ngày). Hóa chất thứ hai được là dasatinib thì ngược lại, bạn rất khó có thể bắt gặp nó trong các loại thực phẩm hàng ngày. Dasatinib thường có trong thuốc hóa trị ung thư.

Thử nghiệm cho thấy, nếu tiêm 2 hóa chất này vào những con chuột ngay sau khi chúng nhận tế bào lão hóa từ chuột khác, sức mạnh và độ bền của những con chuột đều được cải thiện.

Đối với những con chuột lão hóa tự nhiên, nghĩa là không tiêm tế bào bị hỏng DNA từ chuột khác, hai hóa chất này cũng giúp hạn chế sự suy giảm sức mạnh và sức chịu đựng, đồng thời tăng mức độ vận động hàng ngày của chúng so với nhóm không được tiêm.

Ngoài ra, các hóa chất này đã giúp những con chuột tăng thêm 36% tuổi thọ trung bình.


Những con chuột già tăng được 36% tuổi thọ trung bình sau khi tiêm quercetin và dasatinib.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các loại thuốc có tác dụng trên người hay không? Có cơ sở để tin vào kết quả đó. Các nhà nghiên cứu thu thập chất béo từ những người béo phì mà thường chứa các tế bào lão hóa. Sau đó, họ nhỏ 2 hóa chất vào các tế bào và quan sát thấy số lượng các tế bào lão hóa bắt đầu giảm dần.

Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Tại thời điểm này, sẽ chưa thể có một thử nghiệm trên người để xác thực thêm nữa. Chẳng có ai đang khỏe mạnh lại muốn tiêm thuốc hóa trị vào người để kéo dài tuổi thọ, đặc biệt, dasatinib là một loại thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ.

Mặc dù vậy, các tác giả để ngỏ khả năng tiến đến thử nghiệm trên người bằng lập luận, họ có thể tiêm thuốc thành các giai đoạn ngắn, cách nhau hàng tuần để giảm tác dụng phụ. Những con chuột trong thí nghiệm đã sống tới độ tuổi tương đương 75 ở người mà thuốc dường như vẫn có tác dụng tích cực.

Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh là, ngay cả khi thử nghiệm này thành công trên người, việc điều trị vẫn không thể làm chậm 100% các dấu hiệu lão hóa mà các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm. Trong khi các tế bào này đã mở ra một góc nhìn về lão hóa, chúng ta vẫn còn cách xa bí quyết để quay lại tuổi thanh xuân của mình.

Cập nhật: 21/07/2018 Theo TrÍ Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video