Phát hiện lỗ hổng rò rỉ nước ấm dưới đáy biển

Các nhà khoa học phát hiện lỗ hổng làm thất thoát loại nước ấm đặc biệt giống như chất bôi trơn, ảnh hưởng đến nguy cơ xảy ra động đất.


Lỗ rò rỉ Pythias Oasis phun nước ấm. (Video: UW)

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Washington (UW) phát hiện lỗ rò rỉ phun lên dòng chất lỏng ấm từ đáy biển cách thành phố Newport, bang Oregon, Mỹ, khoảng 80 km, Futurism hôm 13/4 đưa tin. Mạch nước độc đáo này có tên Pythias Oasis và được mô tả trong nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Science Advances. Các quan sát cho thấy nó bắt nguồn từ vùng nước sâu 4 km dưới đáy biển ở ranh giới của Cascadia - đới hút chìm ngoài khơi có nguy cơ gây ra trận động đất 9 độ ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Các nhà khoa học phát hiện điều này trong chuyến đi trên tàu nghiên cứu RV Thomas G. Thompson. Sonar (hệ thống định vị thủy âm) của tàu ghi nhận những chùm bong bóng xuất hiện ở độ sâu khoảng 1,2km dưới mặt biển. Khi thăm dò thêm bằng robot, nhóm chuyên gia nhận thấy bong bóng chỉ là một thành phần nhỏ của mạch chất lỏng ấm, khác biệt về mặt hóa học phun ra từ trầm tích đáy biển.

"Các nhà khoa học thám hiểm theo hướng đó và những gì trông thấy không chỉ là bong bóng methane mà là nước thoát ra từ đáy biển như vòi phun. Đó là điều mà tôi chưa từng thấy và theo tôi biết, cũng chưa từng được quan sát trước đây", đồng tác giả Evan Solomon, phó giáo sư hải dương học tại UW, cho biết.

Quan sát từ các chuyến thám hiểm sau đó cho thấy, chất lỏng phun lên ấm hơn nước biển xung quanh 9 độ C. Các tính toán chỉ ra, chất lỏng chảy thẳng ra từ đới hút chìm Cascadia, nơi có nhiệt độ ước tính khoảng 150 - 250 độ C.


Chất lỏng phun lên ấm hơn nước biển xung quanh 9 độ C

Theo Solomon, sự rò rỉ này xảy ra gần các đứt gãy dọc cắt ngang đới hút chìm Cascadia khổng lồ. Các đứt gãy này - nơi những mảng vỏ đại dương và trầm tích trượt qua nhau - tồn tại do mảng đại dương va vào mảng lục địa theo một góc nhất định, gây áp lực lên mảng lục địa phía trên. Việc thất thoát chất lỏng từ ranh giới đới hút chìm qua các đứt gãy này rất đáng chú ý vì nó làm giảm áp suất chất lỏng giữa các hạt trầm tích, do đó làm tăng ma sát giữa mảng đại dương và mảng lục địa.

Solomon cho biết, chất lỏng thoát ra từ vùng đứt gãy giống như chất bôi trơn bị rò rỉ. Điều đó làm tăng nguy cơ động đất vì lượng chất bôi trơn giảm đồng nghĩa áp lực có thể tích tụ và tạo ra trận động đất có sức tàn phá lớn.

Đây là địa điểm đầu tiên thuộc loại này được giới khoa học biết đến, theo Solomon. "Pythias Oasis cung cấp thông tin hiếm hoi về những quá trình diễn ra sâu dưới đáy biển. Đặc điểm hóa học cho thấy chất lỏng này đến từ gần ranh giới các mảng. Điều đó cho thấy các đứt gãy gần đó điều chỉnh áp suất chất lỏng và hoạt động trượt dọc theo đới hút chìm Cascadia trung tâm", đồng tác giả Deborah Kelley, giáo sư hải dương học tại UW, nhận định.

Cập nhật: 17/04/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video