Xương hóa thạch được khai quật bởi các nhà cổ sinh vật học Anh tại Tanzania, thuộc địa xưa của Anh, trong thập niên 1930 có thể thuộc về loài khủng long cổ xưa nhất từng được biết đến từ trước đến nay, AFP dẫn báo cáo của các nhà khoa học ngày 5/12 cho biết.
Bộ xương có thể thuộc về loài khủng long cổ xưa nhất, hoặc là loài có họ hàng gần nhất với các loài khủng long đã được phát hiện cho đến ngày này, theo các nhà khoa học thuộc Đại học Washington (Mỹ).
Hóa thạch được xác định có niên đại khoảng 243 triệu năm, thuộc Kỷ Tam Điệp (Triassic). Nó có trước các loài khủng long đã được biết đến từ 10 đến 15 triệu năm. Đồng thời, hóa thạch cũng cho thấy khu vực khai sinh của loài sinh vật bí ẩn đó ở siêu lục địa Pangaea.
Loài sinh vật Nyasasaurus được cho là loài khủng long cổ xưa nhất từng được biết
đến, hoặc là loài có họ hàng gần nhất với loài khủng long - (Ảnh: Đại học Washington)
Được đặt tên là Nyasasaurus, sinh vật được cho là loài khủng long cổ xưa nhất có chiều cao khoảng 80cm, dài 3 mét với cái đuôi dài khoảng 1,5 mét. Nó có thể nặng từ 20 đến 60kg.
Theo AFP, tên Nyasasaurus được nhà cổ sinh vật học Rex Parrington thuộc Đại học Cambridge (Anh) đặt, xuất phát từ hồ Nyasa, ngày nay được gọi là hồ Malawi - nơi phát hiện ra mẩu hóa thạch.
Nhóm khảo cổ của ông Parrington đã khai quật được sáu mẩu hóa thạch xương cánh tay và đốt sống từ lớp trầm tích ở thung lũng Ruhuhu tại miền nam Tanzania vào đầu những năm 1930.
Vị trí nơi phát hiện hóa thạch đã ủng hộ giả thuyết lâu nay rằng loài khủng long ban đầu đã tiến hóa ở phần phía nam của Pangaea, siêu lục địa trên trái đất trước khi quá trình trôi dạt lục địa tách nó ra thành các lục địa riêng rẽ. Phần phía nam của Pangaea bao gồm châu Phi, Úc, Nam Mỹ và Nam cực.
Kể từ khi được tìm thấy, tầm quan trọng của các mẩu hóa thạch Nyasasaurus đã không được biết đến, cho đến khi các nhà khoa học của Đại học Washington sử dụng công nghệ quét hiện đại để so sánh các mẩu vật của Parrington tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh) và hai mẩu xương Nyasasaurus khác tại Bảo tàng Nam Phi ở Cape Town.
Khu vực tìm thấy hóa thạch Nyasasaurus - (Ảnh: Đại học Washington)
Theo nhà khoa học Nesbitt thì trong 150 năm qua, mọi người đã nghĩ đến một loài khủng long có thể tồn tại từ giữa Kỷ Tam Điệp, tuy nhiên các bằng chứng khảo cổ đã không thể giúp họ khẳng định được điều đó.
Được biết, Kỷ Tam Điệp, từ 201-252 triệu năm trước, chứng kiến sự xuất hiện của các loài khủng long, đồng thời những loài sinh vật khác như rùa, ếch, thằn lằn, các loài động vật có vú cũng lần lượt ra đời.
Nếu nghiên cứu mới về loài Nyasasaurus là xác thực thì thời gian "ngự trị" trên hành tinh của loài khủng long có thể được kéo dài thêm từ 10 đến 15 triệu năm nữa, cho đến khi chúng bị xóa sổ bởi một sự kiện tuyệt chủng, có thể là một vụ đâm thiên thạch khổng lồ vào trái đất.
Nghiên cứu được đăng tải ngày 5.12 trên tập san Sinh vật học của Hiệp hội Hoàng gia Anh.