Nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Pháp, Đức mới công bố một loài rắn trán cúc mới thuộc giống Opisthotropis ở Việt Nam.
Rắn trán cúc Opisthotropis cucae. (Ảnh: Phạm Thế Cường)
Ông Phạm Thế Cường, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, loài rắn này có tên là Opisthotropis cucae, được phát hiện ở Vườn Quốc gia Chư-Mon-Rây, thuộc huyện Sa Thầy tỉnh Kontum.
Tên loài rắn được đặt theo tên của nhà nghiên cứu bò sát, lưỡng cư Hồ Thu Cúc, người đã có công thu mẫu cũng như đã có đóng góp lớn trong nghiên cứu và công bố nhiều loài lưỡng cư và bò sát ở Việt Nam.
Đặc điểm nhận dạng của loài Rắn trán cúc là: vẩy lưng nhẵn, xếp thành 23 hàng ở cổ, 19 hàng ở giữa thân; 191 vảy bụng; 1 vảy má; 7 vảy môi trên, tấm thứ 5 tiếp giáp với ổ mắt. Lưng đồng màu xám nâu, không có sọc; bụng màu xám vàng.
Đây là loài rắn trán thứ 7 ghi nhận ở Việt Nam. Loài Rắn trán cúc hoạt động ban đêm, sinh sống ở suối đá trong rừng thường xanh ở độ cao 740m so với mực nước biển.
Cuối tháng 12/2010, các nhà khoa học Việt Nam và Nga cũng đã phát hiện lại mẫu vật của hai loài rắn rất hiếm gặp trên ở khu vực núi Hoàng Liên, Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đó là loài rắn la-kơ-roa Oligodon lacroixi và Phân loài Rắn sọc đốm tím Maculophis bellus chapaensis. Theo đánh giá của các nhà khoa học trong suốt 80 năm qua, chưa có thêm ghi nhận nào cũng như mẫu vật của hai loài rắn này.