Phát hiện loạt cổ vật 3.500 năm tuổi trong mộ tập thể

Cổ vật trong khu mộ ở Cyprus rất đa dạng về xuất xứ, gồm chiếc bình độc đáo từ Hy Lạp, con dấu Babylon và bùa bọ hung Ai Cập.

Các chuyên gia tại Đại học Gothenburg tìm thấy nhiều hài cốt và lượng lớn cổ vật tồn tại từ khoảng 3.500 năm trước trong khu mộ tập thể tại Cyprus, Ancient Origins hôm 13/12 đưa tin.


Hài cốt người phụ nữ 30-40 tuổi trong hầm mộ ở Hala Sultan Tekke. (Ảnh: Peter Fischer).

Cuộc khảo sát quy mô lớn bằng radar và từ kế hé lộ có những khoảng trống trong lòng đất ở một khu vực phía đông thành phố Hala Sultan Tekke vào năm 2017. Chúng chứa lối đi dẫn đến những hầm chôn cất cổ xưa, theo Peter Fischer, giáo sư khảo cổ tại Đại học Gothenburg. Fischer và tiến sĩ Teresa Burge là trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Thụy Điển.

Đến nay, nhóm chuyên gia đã khai quật 52 hài cốt và lấy mẫu ADN từ hài cốt một phụ nữ 30-40 tuổi, trên ngực đặt một chiếc khuy trang trí bằng ngà. Họ cũng phát hiện nhiều cổ vật trong khu mộ, trong đó có bùa hình bọ hung khắc chữ tượng hình Ai Cập từ năm 1350 trước Công nguyên.


Những cổ vật chôn cùng người chết trong mộ tập thể. (Ảnh: Peter Fischer/Teresa Burge).

Một phát hiện đáng chú ý khác là con dấu từ Babylon, tồn tại từ năm 1800 - 1600 trước Công nguyên với những hình khắc thần linh, người và động vật. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện một chiếc bình cao 40 cm với những hình trang trí tinh xảo, trong đó có hình đầu cừu, dùng làm vật thờ cúng trong các nghi thức chôn cất cổ xưa. Nó được nhập từ Hy Lạp khoảng năm 1400 trước Công nguyên và là "độc nhất vô nhị". Chưa có chiếc bình nào tương tự được tìm thấy trên thế giới, theo Fischer.

Sự hiện diện của chiếc bình độc đáo và lượng lớn vật dụng chôn cất khác khiến các nhà khoa học cho rằng đây không phải là hầm mộ bình thường. Họ đoán công trình này có thể là nơi thờ cúng của cộng đồng, địa điểm tổ chức những nghi lễ linh thiêng liên quan đến cái chết.

Số cổ vật phong phú cũng cho thấy hoạt động mua bán nhộn nhịp tại Hala Sultan Tekke. Thành phố này là trung tâm thương mại cổ đại của vùng Địa Trung Hải. Hàng hóa được nhập từ nhiều nơi như Hy Lạp, đảo Crete, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Lebanon, Israel, Palestine và Ai Cập. Nhóm nghiên cứu cho biết, số cổ vật trong mộ thể hiện sự kết nối về kinh tế và văn hóa giữa Hala Sultan Tekke với khu vực rộng lớn xung quanh.

Cập nhật: 15/12/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video