Phát hiện mới: Cá vây tay từng có phổi

Thông thường loài cá không có phổi. Nhưng cá vây tay (cœlacanthe) lại mang đến bất ngờ cho các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu Brazil và Pháp, khi ngày 15/9/2015 họ công bố trên tập san Nature Communications rằng loài cá sống dưới đáy biển sâu này còn lưu giữ một tàn tích của cơ quan hô hấp.

Phát hiện gây sock: Cá vây tay có phổi

Đây không phải lần đầu tiên cá vây tay giễu nhại khoa học. Trong suốt thế kỷ 19, loài cá dài 2m và nặng 100kg này đã được xếp vào những loài tuyệt chủng. Nhưng năm 1938, một con cá vây tay với vẻ ngoài tiền sử như cách nay 70 - 400 triệu năm mắc lưới của một ngư dân Nam Phi.

Từ đó, người ta phát hiện rằng nó vẫn còn bơi nhởn nhơ ở eo biển Mozambique và ngoài khơi quần đảo Indonesia. Loài “cá hóa thạch” này, biệt danh cá vây tay, giữ một vị trí đặc biệt trong dây chuyền phát sinh loài giữa loài cá và động vật xương sống có chân. Phát hiện mới đây càng củng cố vị trí này của cá vây tay.

Nhóm của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp và Đại học bang Rio de Janeiro (Brazil) đã tập hợp nhiều mẫu cá vây tay để “giải phẫu” chúng bằng kỹ thuật chụp ảnh từ thế hệ mới, dùng máy gia tốc phân tử ở Grenoble (Pháp) để bóc tách từng lớp bên trong của con cá đến những chi tiết nhỏ nhất mà không ảnh hưởng gì đến sự nguyên vẹn của nó.


Cá vây tay.

Ở cá trưởng thành, người ta tìm được phần phổi thoái hóa, không còn chức năng hoạt động, nằm trong cơ quan mỡ. Cái túi chứa đầy mỡ này cho phép nó thích ứng với độ nổi. Đây là một chức năng cơ bản được thực hiện ở các loài cá khác bằng bong bóng cá (cá kiếm, cá hồi sông), gan mỡ (cá mập) hoặc một chất giống sáp nằm ở phần đầu (cá nhà táng).

Ở cá vây tay, vai trò này nằm ở túi mỡ và nhờ đó mà nó bơi lội dễ dàng ở vực thẳm đại dương có độ sâu từ 120 - 800m.

Việc phân tích cá ở giai đoạn phôi thai đã mang đến cho các nhà khoa học một thông tin gây ngạc nhiên: ở các phôi thai nhỏ nhất (4cm), phổi phát triển tăng tốc như nhiều động vật biển có vú. Nhưng rồi giai đoạn tăng trưởng bị ngưng trệ và cơ quan mỡ tiếp nối quá trình này.

Ở các hóa thạch cá vây tay có từ kỷ Devon đến kỷ Phấn trắng (dưới 410 triệu đến dưới 66 triệu năm), người ta từng tìm thấy trong hốc bụng của nó một cơ quan có hình dài phủ đầy các mảng đã hóa xương xếp chồng lên nhau. “Cơ quan này chắc chắn là phổi có chức năng, điều đó phù hợp với các môi trường sống của cá vây tay” - chuyên gia Marc Herbin của nhóm nghiên cứu khẳng định.

Vào thời đó, cá vây tay không sống ở vực sâu đại dương mà ở vùng nước trên mặt, cả ở nước biển lẫn nước ngọt. Rất có thể nó đã từ bỏ lá phổi để thích nghi với sự thay đổi này. “Điều đó giải thích bằng cách nào cá vây tay đã sống sót qua những biến động môi trường quan trọng của kỷ Phấn trắng (dưới 145 triệu đến dưới 66 triệu năm) và kỷ Paleogen (dưới 65 triệu đến dưới 23 triệu năm)” - bài báo cho biết.

Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video