Sinh vật này có thể nặng tới 11 tấn và có họ hàng với voi ma mút khổng lồ.
Các nhà khoa học vừa phát hiện một loài voi răng mấu mới sống từ 10.000 năm trước, tờ Fox News đưa tin. Voi răng mấu là họ hàng với voi ma mút khổng lồ.
Ảnh minh họa một con voi răng mấu.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra loài voi răng mấu mới sau khi hóa thạch của chúng được khai quật từ hồ Diamond Valley vào những năm 1990.
Kể từ khi hóa thạch được khai quật, chúng được lưu trữ tại Trung tâm Khoa học phương Tây ở Hemet, California, và đem so sánh với các loài voi răng mấu được phát hiện trước đó.
Các nhà khoa học đặt tên cho loài voi răng mấu mới là Mammut pacificus. Họ công bố phát hiện của mình trong một bài báo xuất bản trên tạp chí khoa học PeerJ hôm 27/3.
Trước đây, chỉ có một loài voi răng mấu chính sống ở Bắc Mỹ, được gọi là Mammut Mỹ. Tuy nhiên, loài voi răng mấu mới này là loài đặc trưng cho miền tây Bắc Mỹ, hoặc California ngày nay.
Voi răng mấu đã tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước, theo LiveScience. Một trong những mẫu vật voi răng mấu to nhất từng được tìm thấy nặng tới 11 tấn.
Loài voi răng mấu mới được tin là có răng hàm hẹp hơn, nhiều đốt sống hơn trong xương chậu và không có ngà dưới trong hàm của chúng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không chắc chắn những khác biệt này có tác dụng gì.
"Đây không nhất thiết phải là một sự khác biệt về chức năng. Nó giống như những đặc điểm chúng được thừa hưởng từ tổ tiên", đồng tác giả báo cáo, Eric Scott, nói trong một bài thuyết trình.
Alton Dooley Jr., tác giả chính của nghiên cứu và giám đốc điều hành của Trung tâm Khoa học phương Tây, nói với tờ Gizmodo rằng ông và đồng nghiệp không nghĩ họ có thể phát hiện ra một loài mới vì loài voi này đã được nghiên cứu rất kỹ.
“Tôi đã sốc khi phát hiện có một giống voi răng mấu không được công nhận trong một thời gian dài”, ông nói.