Phát hiện “nghĩa địa” khủng long ở Tây Ban Nha

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện ra một “nghĩa địa” chứa hàng ngàn mẫu hóa thạch khủng long nằm ở phía đông Tây Ban Nha.

Số lượng hóa thạch tương đối lớn, lên đến 8.000 mẫu của 8 loài khủng long, bao gồm những loài khủng long ăn cỏ có vảy lớn nhất thế giới. “Nghĩa địa” này được phát hiện vào tháng Sáu vừa qua trong quá trình thi công đường tàu lửa siêu tốc gần thành phố Cuenca. Đây được xem là di tích khủng long lớn và đa dạng nhất từng được khai quật ở châu Âu.

Theo nhà cổ sinh vật học José Luis Sanz thuộc Đại học Autonomous ở Madrid, trưởng đội khảo cổ, những mẫu hóa thạch có tuổi thọ khoảng 70 triệu năm tiết lộ sự đa dạng của loài khủng long sống trong một thời kỳ ít được nghiên cứu ở Tây Âu. José tin rằng việc nghiên cứu những mẫu hóa thạch này sẽ bổ sung thông tin về sự đa dạng của loài khủng long.

Những hóa thạch này xuất hiên trong khoảng 4 triệu năm trước khi loài khủng long bị tuyệt chủng. Các nhà khoa học cho rằng nó sẽ hé mở thông tin về hệ sinh thái cuối cùng của khủng long ở châu Âu.

Lo Hueco, tên của khu vực khảo cổ, cho thấy một loài khủng long ăn cỏ là cư dân chủ yếu ở thời kỳ này, trong đó có cả loài khủng long cổ dài Titanosaurs, một trong những sinh vật to lớn nhất từng sống trên trái đất. “Hóa thạch loài Titanosaurs chiếm đa số trong các mẫu khai quật được ở Lo Hueco”, Sanz cho biết. Hiện nay các nhà khoa học đã xác định được 3 loài Titanosaur, bao gồm cả những loài chưa được biết đến.

Những mẫu hóa thạch khai quật được bao gồm xương chi, xương hộp sọ và bộ xương phần nào còn nguyên vẹn. Một số lượng lớn các mẫu sừng cho thấy loài khủng long Titanosaur có lớp vảy khá dày. Người ta cũng phát hiện được hóa thạch của 2 loài khủng long ăn thịt, một trong hai hóa thạch đó là của loài Dromaeosaur, một loài khủng long ăn thịt nhanh nhẹn và hung dữ, dài khoảng 1,8 mét.

Những hóa thạch từ ngôi mộ tập thể của loài khủng long được phát hiện phía đông Tây Ban Nha. (Ảnh: National Geographic)

Một số hóa thạch là của Rhabdodon - một loài khủng long thân nhỏ có răng cùn để nghiền thực vật. Số khác là của một loài ankylosaur, khủng long ăn cỏ to khỏe có một đoạn xương to ở đuôi dùng để chống trả những kẻ tấn công. Đội khảo cổ còn tìm thấy cả hóa thạch của rùa và cá sấu thời tiền sử.

Những mẫu hóa thạch này được gắn kết với nhau nhờ đất sét và bùn, dấu hiệu của một dòng sông. Sanz cho biết: “Có thể một trận lụt là nguyên nhân khiến những sinh vật này chết hàng loạt”. Khu vực này sẽ cung cấp thêm thông tin về quá trình phân hủy của loài khủng long cách đây 66 triệu năm.

Nhiều nhà khoa học tin rằng sự tuyệt chủng của loài khủng long trong sự kiện K-T (Cretaceous - Tertiary) mở đầu bằng việc sự đa dạng sinh học của chúng giảm dần và cuối cùng biến mất hoàn toàn bởi một thiên thạch khổng lồ va vào trái đất.

Hóa thạch mới phát hiện này lại phủ nhận giả thiết trên. Cả khu vực khảo cổ cho thấy các loài khủng long vẫn hết sức đa dạng trong suốt cuộc khủng hoảng sinh học thời kỳ K-T. Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là những loài khủng long cuối cùng còn sót lại ở châu Âu vì hóa thạch này xuất hiện trước khi khủng long tuyệt chủng đến 4 triệu năm.

Darren Naish, nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Portsmouth, Anh, cho rằng, phát hiện trên củng cố cho một khám phá gần đây là loài khủng long vẫn rất đa dạng ở châu Âu trước khi chúng bị tuyệt chủng. Darren cho biết thêm nhóm khủng long trên có cùng không gian và môi trường sống, một giả thiết mà các nhà khoa học chưa từng đặt ra.

Naish cũng cho biết, những loài khủng long tìm thấy ở Lo Hueco tương đối phổ biến và những mẫu hóa thạch này sẽ giúp các kiến thức về các loài này thêm hoàn chỉnh. “Điều đặc biệt thú vị là sọ của loài Titanosaur này vẫn còn khá nguyên vẹn, một trường hợp hiếm có vì sọ loài này khá yếu và mỏng manh. Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh hình dạng đầu của loài này, đặc biệt là loài sống ở châu Âu.”

Các mẫu hóa thạch cũng tiết lộ thêm về phần giáp của Titanosaur: “Chúng tôi vẫn băn khoăn về cách bố trí vảy giáp của loài này. Ví dụ như nó có thể nằm rải rác ở phần lưng hoặc xếp thành hàng ngang.”

Những mẫu hóa thạch nằm trong tuyến đường cao tốc đã được di dời. Công cuộc khai quật sẽ được tiếp tục tiến hành vào đầu năm sau. Nhiều mẫu hóa thạch nhỏ hơn như cây cỏ, vảy cá, trai nước ngọt và những mẩu răng cũng đã được đưa về phòng thí nghiệm.

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video