Phát hiện núi ngầm dưới biển cao gấp đôi tháp Burj Khalifa

Các nhà khoa học tìm thấy ngọn núi khổng lồ dưới Thái Bình Dương với chiều cao khoảng 1.600 m, gấp đôi Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới.

Ngọn núi ngầm cao 1.600m so với đáy biển và nằm ở độ sâu khoảng 4.000 m dưới mực nước biển. Các chuyên gia phát hiện nó trong chuyến thám hiểm do Viện Đại dương Schmidt (SOI) tiến hành ở vùng biển quốc tế, cách vùng đặc quyền kinh tế của Guatemala 135km.


Ngọn núi ngầm cao 1.600m dưới đáy Thái Bình Dương. (Ảnh: SOI).

Núi ngầm là những ngọn núi dưới nước với các sườn dốc nhô lên từ đáy đại dương, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Đa số núi ngầm là tàn tích của các núi lửa đã tắt và thường có hình nón. Núi ngầm hiện diện ở mọi bồn trũng đại dương trên thế giới, nhưng giới chuyên gia không rõ chính xác số lượng. Số núi ngầm cao ít nhất 1.000m được cho là nhiều hơn 100.000. Nhưng đến nay, các nhà khoa học mới chỉ phát hiện một phần nhỏ trong số đó.

Núi ngầm mới được đoàn thám hiểm SOI quan sát bằng cách sử dụng Máy đo hồi âm đa tia EM124 trên tàu nghiên cứu Falkor (too). Thiết bị này có khả năng lập bản đồ đáy biển với độ phân giải cao.

Sau khi máy đo hồi âm phát hiện núi ngầm, một chuyên gia trên tàu đã xác nhận cấu trúc này chưa có trong bất cứ cơ sở dữ liệu đáy biển nào. Dữ liệu cho thấy ngọn núi có diện tích hơn 13km2. "Việc một núi ngầm cao hơn 1,5km giấu mình dưới những con sóng đến tận bây giờ cho thấy, vẫn còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa khám phá", Jyotika Virmani, giám đốc điều hành tại SOI, cho biết.

Núi ngầm là những "điểm nóng" về đa dạng sinh học, cung cấp bề mặt cho các sinh vật như san hô biển sâu, bọt biển và nhiều loài động vật không xương sống định cư và phát triển. Những sinh vật này lại tiếp tục cung cấp thức ăn cho động vật khác. Hệ sinh thái núi ngầm thường là nơi cư trú của những loài độc nhất vô nhị, chỉ được tìm thấy ở một địa điểm duy nhất. Lập bản đồ và khám phá những khu vực chưa biết dưới đáy biển là yếu tố then chốt giúp giới khoa học hiểu rõ Trái Đất hơn.

SOI là một đối tác trong chương trình Seabed 2030 với mục tiêu lập bản đồ toàn bộ đáy biển vào năm 2030. Hiện tại, tình trạng thiếu bản đồ chi tiết của phần lớn đáy biển gây khó khăn cho việc điều hướng tàu thuyền an toàn, quản lý tài nguyên biển một cách bền vững và bảo vệ các cộng đồng ven biển.

Cập nhật: 27/11/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video