Phát hiện sinh vật dưới lòng đất có kỷ lục 1.306 chân

Trong khi khoan thăm dò sâu dưới lòng đất tại khu vực khai thác mỏ ở Australia, các nhà khoa học đã phát hiện một "kỳ tích của sự tiến hóa", đó là một con cuốn chiếu (millipede) sở hữu nhiều chân nhất thế giới, chính xác là 1.306 chân.


Một cá thể cuốn chiếu cái được xác định là Eumillipes persephone, phát hiện nằm sâu dưới lòng đất ở Australia. (Ảnh: Reuters).

Loài cuốn chiếu milipede (bắt nguồn từ tiếng la-tinh: mille là một nghìn và pes là chân) thường dài khoảng 95 mm, bề ngang khoảng 0,95 mm, đầu hình nón, miệng hình mỏ và cặp râu khá lớn.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports ngày 16/12, các nhà khoa học cho biết loài milipede mới phát hiện bị mù, được đặt tên là Eumillipes persephone. Một số ít các cá thể loài này được phát hiện sống ở độ sâu gần 60 m dưới lòng đất. Con cái có nhiều chân hơn con đực.

Nhà côn trùng học Paul Marek của Virginia Tech, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Trước đây chưa từng biết đến loài milipede thực sự có 1.000 chân mặc dù tên gọi millipede có nghĩa là 'nghìn chân'".


 Một cá thể đực thuộc loài milipede mới được xác định là Eumillipes persephone được phát hiện dưới lòng đất. (Ảnh: Reuters).

Đồng tác giả nghiên cứu Bruno Buzatto, nhà sinh vật học chính tại Công ty tư vấn môi trường Bennelongia ở Perth, Australia nói thêm: “Theo ý kiến ​​của tôi, đây là một loài động vật tuyệt đẹp, một kỳ quan của sự tiến hóa".

"Nó đại diện cho độ dài cực đại nhất được tìm thấy cho đến nay ở loài milipede, là những loài động vật đầu tiên chinh phục đất liền. Và đặc thù của loài này là xoay sở để thích nghi với việc sống sâu hàng chục mét trong lòng đất, trong một cảnh quan khô cằn và khắc nghiệt nơi nó rất khó để tìm thấy bất kỳ đồng loại nào", Tiến sĩ Buzatto nói thêm.

Cho đến nay, động vật nhiều chân nhất được biết đến là một loài milipede ở California có tên là Illacme plenipes, với 750 chân.

Các nhà nghiên cứu phán đoán, sự tiến hóa nhiều chân đã giúp ích cho loài Eumillipes.

Tiến sĩ Buzatto nói: “Chúng tôi cho rằng số lượng chân lớn mang lại lợi thế về lực kéo để đẩy cơ thể chúng về phía trước qua những khe hở nhỏ và những vết đứt gãy trên đất nơi chúng sinh sống”.

Loài này sống trong bóng tối hoàn toàn trong môi trường sống dưới lòng đất chứa đầy sắt và đá núi lửa. Không có mắt, nó sử dụng các giác quan khác như xúc giác và khứu giác để cảm nhận môi trường xung quanh. Nó thuộc về một họ Milipede ăn nấm, vì vậy các nhà nghiên cứu nghi ngờ nấm là thức ăn của chúng.

Nó được phát hiện ở vùng Goldfields-Esperance của bang Tây Úc trong một khu vực nơi các thợ mỏ đào vàng và các khoáng chất như lithium và vanadi. Bốn cá thể Eumillipes đã được mô tả trong nghiên cứu và bốn cá thể khác đã được tìm thấy.

Một trong những con cái trưởng thành được mô tả trong nghiên cứu có 1.306 chân và con kia có 998. Một trong hai con đực trưởng thành có 818 chân và con kia có 778. Không có cá thể nào còn sống.


Phần đầu và bộ phận sinh sản của một cá thể đực thuộc loài milipede không mắt mới được xác định là Eumillipes persephone được phát hiện sâu dưới lòng đất ở Australia. (Ảnh: Reuters).

Số lượng chân không đồng đều trong các loài milipede là do chúng lột xác, trút bỏ lớp bên ngoài cứng cáp, phát triển và thêm từng đoạn bốn chân trong suốt cuộc đời của chúng.

Tiến sĩ Buzatto cho biết: “Việc các cá thể có nhiều chân hơn khi chúng lột xác là điều khá phổ biến trong loài milipede, nên các cá thể già có nhiều chân hơn các cá thể non”.

Thông thường milipede có khoảng 100 đến 200 chân. Sau milipede, rết có số lượng chân nhiều nhất, lên tới 382. Rết có một đôi chân trên mỗi đoạn cơ thể, trong khi milipede có hai đôi chân.

Millipede, động vật chân đốt di chuyển chậm liên quan đến rết, côn trùng và động vật giáp xác, xuất hiện lần đầu tiên cách đây hơn 400 triệu năm.

Khoảng 13.000 loài Millipede được biết đến ngày nay, sống trong mọi loại môi trường, ăn các loại thực vật mục nát và nấm. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái bằng cách phá vỡ vật chất mà chúng làm thức ăn rồi giải phóng carbon, nitơ và đường đơn.

Phó giáo sư Marek nói: “Những chất dinh dưỡng này sau đó có thể các thế hệ sống trong tương lai sử dụng".

Cập nhật: 18/12/2021 Theo Nhân Dân
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video