Với khoảng cách rất xa, ánh sáng từ thiên hà JADES-GS-z13-0 phải mất hơn 13,4 tỷ năm mới đến được Kính viễn vọng Không gian James Webb.
Thiên hà có tên gọi là JADES-GS-z13-0 vừa được kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) phát hiện, nằm cách chúng ta khoảng 33 tỷ năm ánh sáng.
James Webb vừa tìm thấy một trong những thiên hà lâu đời nhất từng quan sát thấy, có tuổi gần bằng chính vũ trụ. (Ảnh: NASA).
Các nhà khoa học phụ trách quản lý JWST đã lên tiếng xác nhận rằng đây là một trong những thiên hà lâu đời nhất được biết đến. Cụ thể, thiên hà được hình thành khi vũ trụ mới 350 triệu năm tuổi, tương đương với khoảng 2% so với tuổi hiện tại.
Với khoảng cách rất xa, các nhà thiên văn học cho biết ánh sáng từ JADES-GS-z13-0 phải mất hơn 13,4 tỷ năm mới đến được James Webb.
Việc quan sát thấy thiên hà cổ xưa chính là mục đích mà James Webb được xây dựng. Công trình này đã và đang mang lại những kết quả vượt ngoài sự mong đợi, dù mới chỉ bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2022.
"Thành tựu này vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Với JWST, lần đầu tiên chúng ta có thể tìm thấy những thiên hà xa xôi như vậy", Brant Robertson, nhà vật lý thiên văn tại Đại học California Santa Cruz cho biết.
Dữ liệu thu thập được không chỉ cho chúng ta biết khoảng cách của các vật thể, mà còn làm sáng tỏ các đặc tính của nó. Theo đó, thiên hà này nhiều khả năng được hình thành dựa trên quá trình ion hóa khí hydro xung quanh.
Với những phép đo được thực hiện bởi máy tính, các nhà khoa học giờ đây đã có thể biết được độ sáng nội tại của thiên hà và tính xem nó có bao nhiêu ngôi sao. Từ đó, họ có thể phân biệt cách mà các thiên hà được kết hợp với nhau theo thời gian.