Các nhà thiên văn Mỹ vừa cho biết họ đã phát hiện một thiên hà trẻ khổng lồ, với khối lượng lớn gấp 8 lần so với Ngân hà.
Thiên hà này, được đặt tên là HUDF-JD2, là thiên hà xa nhất từng được nhìn thấy. Ánh sáng của nó do kính viễn vọng Hubble và Spitzer chụp được, đã bắt đầu chuyến hành trình về phía Trái đất cách nay 800 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.
“Đây là khoảng thời gian rất ngắn đối với quá trình hình thành của một thiên hà lớn như vậy”, Bahram Mobasher, nhà thiên văn học tại Cơ quan không gian châu Âu và Viện khoa học kính viễn vọng không gian tại Baltimore, Maryland, Mỹ cho biết.
Khối lượng và sự phát triển của thiên hà này khi vũ trụ mới được 800 triệu năm tuổi đã gây sự bất ngờ cho cộng đồng các nhà khoa học thiên văn. Cho tới nay, các nhà khoa học cho rằng các thiên hà đầu tiên được hình thành khi vũ trụ còn trẻ chứa rất ít ngôi sao hơn so với các thiên hà được hình thành sau này như Ngân hà nằm trong Hệ mặt trời của chúng ta.
Theo các chuyên gia, phát hiện này cho thấy đa số các thiên hà đã hình thành rất sớm. Giáo sư thiên văn Richard Ellis thuộc Viện Công nghệ California và là một trong các nhà thiên văn đã phát hiện thiên hà nói trên cho biết: "Nếu việc đo đạc khoảng cách của thiên hà này được xác nhận thì nó sẽ chứng minh rằng các thiên hà đã hoạt động rất mạnh trong một giai đoạn còn xa xưa hơn trong lịch sử của vũ trụ".
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra HUDF-JD2 trong số 10.000 thiên hà tồn tại trong một góc nhỏ của bầu trời được gọi là “Vùng cực sâu của Hubble” (UDF). Nghiên cứu về thiên hà này sẽ được công bố trên tạp chí Astrophysical số sắp tới.
T.VY (Theo AFP, Newscientist)