Phát hiện thiên thể xa nhất trong Hệ Mặt trời

Thiên thể 2018 VG18 màu hồng nhạt, có đường kính khoảng 500km và mất hơn 1.000 năm để hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời.

Các nhà thiên văn thông báo phát hiện thiên thể xa nhất trong hệ Mặt Trời nhờ kính viễn vọng đặt tại Mauna Kea, Hawaii, hôm 17/12, theo Mashable. Thiên thể có tên chính thức là 2018 VG18 và được đặt biệt danh là "Farout".


Thiên thể 2018 VG18 trong ảnh chụp của kính viễn vọng. (Ảnh: Scott S Sheppard/David Tholen).

2018 VG18 cách Mặt Trời xa gấp 120 lần Trái Đất (khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trời là gần 150 triệu km). Nó xa hơn khoảng 35,4 tỷ km so với Eris, thiên thể xa thứ hai trong hệ. Eris là hành tinh lùn có kích thước tương đương sao Diêm Vương.

"Hiện tất cả những gì chúng tôi biết về 2018 VG18 là khoảng cách so với Mặt Trời, đường kính ước tính và màu sắc. Vì quá xa nên nó hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời rất chậm, có khả năng mất tới hơn 1.000 năm", David Tholen, nhà thiên văn tại Đại học Hawaii, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Tholen cùng các đồng nghiệp xác định, 2018 VG18 màu hồng nhạt, đường kính khoảng 500km và có thể hình cầu giống sao Diêm Vương.


Minh họa thiên thể màu hồng 2018 VG18. (Ảnh: Roberto Molar Candanosa).

Việc phát hiện 2018 VG18 không phải là tình cờ. Nhóm nhà khoa học từ lâu đã tìm kiếm các vật thể tương tự trong hệ Mặt Trời, trong đó có hành tinh X, hay hành tinh thứ 9. Đây được cho là một siêu Trái Đất - hành tinh với khối lượng lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn sao Hải Vương. Lực hấp dẫn của hành tinh này nhiều khả năng đã tác động tới các thiên thể ở phía xa của hệ Mặt Trời.

"Có thể tồn tại một vật thể khác, kích thước tương đương một hành tinh, đang ảnh hưởng đến quỹ đạo của chúng", Elisabeth Adams, nhà khoa học nghiên cứu hành tinh lùn và ngoại hành tinh tại Viện Khoa học Hành tinh, nhận định. Các chuyên gia cho rằng, nhiều thiên thể thuộc nhóm này vốn hình thành ở khá gần Mặt Trời hàng tỷ năm trước, vì đó là nơi hầu hết vật chất trong hệ tồn tại.

Dù chưa rõ nguyên nhân khiến 2018 VG18 bị đẩy ra xa như vậy, việc phát hiện thiên thể này vẫn là sự kiện khoa học đáng chú ý. "Thật tuyệt vời, phát hiện mới khiến hệ Mặt Trời trở nên rộng lớn hơn nhiều", Adams nhận xét. Ông cho rằng vẫn còn nhiều thiên thể xa xôi như vậy chưa được con người biết tới.

Cập nhật: 19/12/2018 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video