Một bức tượng bán thân được cho là tạc chân dung hoàng đế Julius Caesar vừa được các nhà khảo cổ tìm thấy ở đáy sông Rhone, thuộc miền nam nước Pháp.
Tượng Julius Caesar vừa được tìm thấy. |
Bức tượng hoa cương có kích thước như người thật, khắc họa một gương mặt có nhiều nếp nhăn và đầu hói, dường như là Julius Caesar vào những năm cuối đời.
Các nhà khảo cổ nói tượng có niên đại khoảng giữa năm 49 và 46 trước công nguyên - thời điểm Caesar tìm thấy vùng dân cư ở Arles, sau đó biến nơi này thành căn cứ chống lại kẻ thù là Pompey.
Theo các nhà khoa học, đây là tác phẩm điêu khắc cổ nhất về vị hoàng đế La Mã. Đa số các tác phẩm cổ nổi tiếng về Caesar trước đây đều được tạo ra sau khi ông qua đời.
Ngoài bức tượng Caesar, các thợ lặn còn tìm thấy một bộ sưu tập các đồ tạo tác gần thị trấn Arles, trong đó có bức tượng đá hoa cương thần Biển cao 1,8 m được xác định có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3 sau công nguyên. Ngoài ra còn có hai bức tượng đồng nhỏ hơn, cao 70 cm, trong đó có một tượng thần Rừng.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu nguyên nhân tại sao các bức tượng lại nằm ở đáy sông. Theo các giả thuyết ban đầu, có thể chúng đã bị ném xuống sông sau khi hoàng đế Ceasar bị ám sát.
Julius Caesar (SN 13-7-100 TCN, mất 15-3-44 TCN) là một lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã và là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Ông đóng một vai trò then chốt trong sự chuyển đổi Cộng hòa La Mã thành Đế chế La Mã. Cuộc chinh phục xứ Gaule (bao gồm Pháp, Bắc Ý, Bỉ, Tây Thụy Sĩ... ngày nay) của ông mở cho La Mã con đường tiếp cận Đại Tây Dương. Ông cũng là người phát động cuộc xâm lăng đầu tiên của La Mã vào xứ Britannia (nước Anh ngày nay) năm 55 TCN.
Caesar được xem là một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất, chính trị gia xuất sắc nhất và là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của lịch sử thế giới thời La Mã cổ đại. Vào năm 42 TCN, hai năm sau khi Caesar bị mưu sát, viện nguyên lão La Mã chính thức thánh hóa, xem ông là một trong những vị thần của La Mã. (*)
(*) Wikipedia