Phát lộ quần thể nền móng nhiều loại hình kiến trúc cổ ở Hoàng thành Thăng Long

Ngày 9-2, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Sử học Hà Nội đã tổ chức thông báo các kết quả nghiên cứu mới về di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu sau hai năm nghiên cứu (2005-2006).

Kết quả khai quật (2002-2004) đã phát lộ được quần thể nền móng của nhiều loại hình di tích kiến trúc: nền nhà của các cung điện, lầu gác, hệ thống giếng nước, đường cống tiêu thoát nước... cùng với số lượng lớn và phong phú khoảng vài triệu loại hình di vật: đồ gốm sứ, đồ kim loại, di cốt mộ táng... có niên đại kéo dài 1.300 năm (từ thời An Nam đô hộ phủ đến thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn), phản ánh lịch sử lâu dài, độc đáo của Thăng Long - Hà Nội.

Viện Khảo cổ học Việt Nam đề xuất: Dự án chỉnh lý, nghiên cứu hệ thống các loại hình di vật Hoàng thành Thăng Long thực hiện trong 10 năm (2005-2015). Đến nay Dự án đã thu được 3 kết quả lớn. Thứ nhất là xây dựng lưới tọa độ Thăng Long theo tiêu chuẩn quốc tế dưới sự trợ giúp của các chuyên gia Nhật Bản (nghĩa là xác định được chuẩn mặt bằng và phương hướng của các dấu tích kiến trúc) trong phạm vi 19.000 m2.

Bên cạnh đó đã nghiên cứu mặt bằng để bước đầu nhận diện năm di tích kiến trúc cung điện tiêu biểu thời Lý - Trần (thế kỷ 11-17), bao gồm: kiến trúc nhiều gian ở phía bắc khu A (đã xuất lộ 10 gian); tổ hợp kiến trúc ở phía nam khu A (rộng 1.400 m2) có quy mô rất lớn với kiến trúc ba hàng cột nằm ở phía bắc đã xuất lộ năm gian với lòng nhà rất rộng (7,45 m); kiến trúc nhà dài 13 gian; kiến trúc lớn ở phía bắc khu B và kiến trúc "lầu lục giác" (tên tạm gọi).


(Ảnh: TTO)

Những nền móng di tích kiến trúc này là cơ sở khoa học để khẳng định nơi đây chính là trung tâm Cấm thành Thăng Long xưa. Đáng chú ý nhất là kiến trúc "lầu lục giác" được các chuyên gia Việt Nam suy đoán là các trà đình (nơi thưởng trà) còn các chuyên gia Nhật Bản suy đoán đây là các tháp nhiều tầng mái.

Qua nghiên cứu, chỉnh lý các di vật đồ gốm sứ, đồ sành và vật liệu kiến trúc có thể khẳng định phần lớn đều là đồ ngự dụng (đồ dùng riêng của Hoàng cung) với hoa văn hình rồng năm ngón đặc sắc. Trên cơ sở giám định niên đại của 5.000 hiện vật, hoàn thành đo vẽ kỹ thuật và hoàn chỉnh hồ sơ 2.918 bản vẽ... dự án đã đưa ra những bằng chứng cho thấy trong nhiều thời kỳ, kinh thành Thăng Long luôn có mối quan hệ, giao lưu kinh tế với bên ngoài: Trung Quốc, Tây Á (giai đoạn thế kỷ 7-9); Trung Quốc, Nhật Bản (giai đoạn thời Lê Trung Hưng). Các di vật này cũng cho thấy các cung điện thời Lý - Trần được trang trí rất cầu kỳ, đẹp và mang sắc thái văn hóa dân tộc độc đáo, thể hiện trình độ kỹ thuật cao.

Những kết quả khảo cổ trên là một chứng cứ khoa học đặc biệt quý giá giúp chúng ta có một thái độ cư xử đúng mực với các di sản của cha ông, đặc biệt là trên mảnh đất "Thăng Long ngàn năm văn vật". Các bằng chứng khoa này đã khỏa lấp khoảng trống vắng trong kho tàng khảo cổ của vùng đất Thượng đô - Kinh sư Hà Nội trước đó vốn có rất ít ỏi các dấu tích về thời Lê, còn dấu tích về thời Lý - Trần thì hoàn toàn vắng bóng.

Theo Nhân dân, Tin tức, Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video