Các nhà khoa học thuộc Đại học Y ở thành phố Tomsk, vùng Siberia của Nga đã phát triển công nghệ cho phép sản xuất các sản phẩm vệ sinh từ rêu than bùn - sphagnum.
Đây là loại vật liệu thân thiện với môi trường dưới dạng sợi đàn hồi rất mỏng có thể được sử dụng để sản xuất khăn ăn, tã lót, sản phẩm vệ sinh phụ nữ và nhiều loại sản phẩm khác.
Trưởng nhóm nghiên cứu Yakov Chirikov cho biết nhu cầu về các sản phẩm từ vật liệu tự nhiên đang tăng lên mỗi ngày.
Ảnh minh họa: ju-bryophytes.blogspot.com
Nếu nhìn qua kính hiển vi sẽ thấy rõ rêu than bùn có cấu trúc như bọt biển với nhiều lỗ nhỏ nên có khả năng chữa lành vết thương một cách nhanh chóng và hấp thụ nước.
Ở trạng thái khô, rêu có thể hấp thụ lượng nước nhiều hơn khoảng 20 lần trọng lượng của chính nó, tức là gấp 4 lần so với bông thấm nước; chính vì thế loài rêu này còn có tên "sfagnos" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "bọt biển". Tính chất này của rêu được biết đến từ thời cổ đại.
Trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, rêu đã được sử dụng rộng rãi để chữa lành vết thương, đặc biệt trong các đội du kích ở Belarus, nơi có rất nhiều khu rừng với rêu than bùn.
Ngoài ra, vì rêu sphagnum là chất dẫn nhiệt kém nên đã được sử dụng từ lâu trong ngành xây dựng như là một vật liệu cách điện.
Hiện các chuyên gia đang nghiên cứu để nâng cao khả năng hấp thụ của vật liệu và thiết kế các kiểu dáng sản phẩm mới. Tuy vậy, cần có thời gian để chứng nhận các loại sản phẩm mới này.
Trước đó, các nhà khoa học Nga cũng đã giới thiệu nhiều loại sản phẩm từ thực vật mọc ở vùng lạnh giá trong đó có chocolate từ rêu than bùn và các đồ ăn nhanh từ rêu.