Các nhà khoa học ở Mỹ ngày 12/12 cho biết họ đã phát triển một loại vắcxin tấn công các khối u ở chuột. Bước đột phá này được kỳ vọng sẽ giúp chống lại các bệnh ung thư vú, ruột kết, buồng trứng và tuyến tụy ở người.
Mặc dù các nghiên cứu ở chuột thường không trực tiếp chuyển thành những phương thuốc dành cho người song các nhà nghiên cứu đang đặt nhiều hy vọng vào công trình này vì loại vắcxin nói trên có công dụng mạnh và có cách tiếp cận đặc biệt.
Ông Geert-Jan Boons, đồng tác giả của nghiên cứu, giáo sư hóa học và nhà nghiên cứu tại Đại học Trung tâm Ung thư Georgia, Mỹ nêu rõ: “Vắcxin này gây ra một phản ứng miễn dịch cực mạnh. Nó kích hoạt cả ba thành phần của hệ miễn dịch để làm giảm trung bình 80% kích cỡ của khối u".
Theo nghiên cứu được đăng trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences, cơ chế làm việc của vắcxin này là huấn luyện hệ miễn dịch tấn công những khối u có protein tên là MUC1 trên bề mặt của các tế bào của khối u đó.
MUC1 được tìm thấy trên hơn 70% các loại ung thư nguy hiểm nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất, trong đó có phần lớn các loại ung thư vú, tuyến tụy, buồng trứng và bướu tủy nhiều chỗ.
Vắcxin chống lại MUC1 có thể được sử dụng kết hợp với hóa trị hoặc như một biện pháp phòng ngừa ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư cao.
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát triển một loại vắcxin huấn luyện hệ miễn dịch phân biệt và tiêu diệt các tế bào ung thư dựa trên các cấu trúc đường khác nhau của chúng trên các protein như MUC1.
Hiện các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm vắcxin này trên tế bào ung thư của người trong phòng thí nghiệm và có thể bắt đầu tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào cuối năm 2013.