Giới chức thành phố Rome, Italy, hy vọng phi đội diều hâu thiện chiến có thể xua đuổi đàn chim sáo đá, tác giả của những cơn mưa phân bốc mùi.
Rome dùng diều hâu đuổi chim sáo đá
Đàn chim sáo đá khiến những chiếc xe máy Vespa và xe hơi bị phủ kín bởi những bãi phân chim màu xám nhớp dính, buộc cư dân địa phương cũng như du khách phải vội vã tìm chỗ che, co mình dưới chiếc ô hoặc tờ giấy báo.
Tuy nhiên, hàng trăm nghìn con chim sáo đá di cư thường xuyên thả bom phân xuống Rome trong nhiều tuần qua sắp gặp đối thủ xứng tầm. Đội chim diều hâu có nhiệm vụ xua đuổi những con sáo khỏi nơi đậu ưa thích của chúng ở trung tâm thành phố.
Phân chim sáo đá phủ kín xe ô tô. (Ảnh: Reuters).
Cuộc tấn công trên không diễn ra lần đầu tiên trong những ngày gần đây khi các con chim diều hâu Harris tên Cami, Niky, Gimmy, Angela và Giorgio, được thả bởi một gia đình chuyên nuôi chim. "Chúng được huấn luyện để dọa những con chim sáo đá nhưng không giết đàn chim", The Telegraph hôm 23/11 dẫn lời Anna Vincenzoni, một thành viên hội đồng thành phố.
Giới chức thành phố tuyên bố cuộc thử nghiệm thành công, nhưng nó lập tức gặp phải sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường.
Những người phản đối khẳng định việc nuôi nhốt chim săn mồi là độc ác và nhấn mạnh biện pháp này sẽ thất bại bởi sáo đá biết cách chung sống và trốn tránh chim săn mồi sau hàng chục nghìn năm tiến hóa.
Sáo đá tụ lại thành những đàn chim khổng lồ, thường xuyên thay đổi hướng bay theo hình dạng xoáy làm rối mắt chim săn mồi và bắt chước chuyển động quanh co của dòng dung nham lỏng.
Liên đoàn Bảo vệ chim Italy cũng chỉ trích việc sử dụng diều hâu. Theo họ, bầu trời Rome đã có những loài săn mồi tự nhiên như chim cắt lớn nhưng chúng vẫn không thể đe dọa đàn chim sáo đá dày đặc. Tổ chức này nhấn mạnh sử dụng diều hâu Harris, loài chim bản xứ ở châu Mỹ, sẽ không đem lại kết quả đáng kể. Dự án thử nghiệm kéo dài ba ngày và có thể tiếp diễn trong vài tuần tới dường như có tác động rất hạn chế.
Sáo đá bay theo từng đàn lớn đen kịt để tránh chim săn mồi. (Ảnh: AFP).
Các nhà chức trách đã nỗ lực trong nhiều năm để tìm ra giải pháp hiệu quả chống lại đàn chim sáo đá thường đậu xuống thành phố mùa thu hàng năm. Đàn chim di cư từ Scandinavia và Đông Âu nhằm tìm nơi nhiệt độ ôn hòa. Ban ngày, chúng kiếm ăn ở vùng đồng quê, sau đó đậu xuống Rome khi chạng vạng do bị thu hút bởi ánh đèn và nhiệt độ ấm áp của thành phố.
Trong quá khứ, giới chức thành phố từng sử dụng những chiếc loa phát âm thanh mô phỏng tiếng kêu hoảng loạn của chim sáo đá để làm chúng sợ, nhưng biện pháp trên quá tốn kém và thu được rất ít thành công.
Vào cuối tuần, những con đường chạy dọc hai bên bờ sông Tiber phải phong tỏa một phần để quét dọn. Mặt đường quá trơn trượt do phân chim sáo đá và những cơn mưa nặng hạt, có thể gây nguy hiểm cho xe cộ và người đi bộ.
Chim sáo đá ăn quả olive trong những bụi cây bên ngoài thành phố, do đó, phân chúng đặc biệt chứa nhiều dầu và rất trơn. Người dân Rome thường xuyên phải mang ô để tránh phân chim rơi xuống đầu.