Ngày 2/3, phi hành gia Scott Kelly (Mỹ) và Mikhail Kornienko (Nga) đã an toàn trở về Trái đất sau gần 1 năm sống trên vũ trụ.
Tổng cộng hai phi hành gia này đã làm việc trên Trạm không gian quốc tế (ISS) 340 ngày - gấp đôi thời gian ở trên trạm của các phi hành gia khác trong các sứ mệnh không gian thông thường.
Việc họ ở lâu trên trạm nhằm giúp nghiên cứu ảnh hưởng của các chuyến bay không gian dài ngày lên cơ thể con người.
Phi hành gia Scott Kelly sau khi trở về. (Ảnh: AP).
Riêng với Scott Kelly, các nhà khoa học còn có thể nghiên cứu chuyên sâu hơn khi so sánh tình trạng sức khỏe và tâm lý của ông với anh em song sinh ở Trái đất, cựu phi hành gia Mark Kelly.
Việc nghiên cứu này nhằm mở đường cho việc đưa con người lên sao Hỏa vào một ngày nào đó.
Theo các nhà khoa học, môi trường khắc nghiệt trên vũ trụ có thể gây teo cơ, mất ngủ, loãng xương, suy giảm thị lực... Nhưng ảnh hưởng rõ rệt nhất là về tâm lý.
Trước lúc hạ cánh xuống Kazakhstan trưa 2/3, Scott Kelly cho biết ông cảm thấy khá tốt về mặt thể chất, nhưng cảm thấy bị cô lập với những người ở Trái đất, nói cách khác ông cảm thấy "bị mất kết nối".
Hiện phi hành gia này đang được đưa đến Houston, Mỹ để bắt đầu một loạt kiểm tra khoa học.
Mặc dù ở liên tục trên vũ trụ 340 ngày, Scott Kelly vẫn chưa phải là người có thời gian bay trong không gian lâu nhất. Kỷ lục này hiện vẫn thuộc về phi hành gia Nga Valery Polyakov, người trải qua 437 ngày trên trạm không gian Mir giữa những năm 1990.
Video phi hành gia Scott Kelly và Mikhail Kornienko trở về Trái đất. Cùng về còn có phi hành gia Nga Sergey Volkov - (Nguồn: euronews/Youtube)