Phi hành gia tàu Boeing có thể mắc kẹt trên ISS đến năm 2025

NASA đang cân nhắc đưa tàu Starliner bị lỗi về Trái Đất trong chuyến bay không người lái, phi hành gia bay cùng tàu có thể phải ở lại trạm ISS đến năm 2025.

Tàu vũ trụ mắc kẹt Starliner của Boeing hiện nay đang trì hoãn nhiệm vụ Crew-9 lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) của SpaceX và NASA đang cân nhắc cắt chuyến bay chở người về Trái Đất của tàu vũ trụ này khi chi tiết về trục trặc trên tàu Starliner ngày càng rõ ràng. Việc trì hoãn khiến lịch phóng của nhiệm vụ Crew-9 dời từ ngày 18/9 đến 24/9, cho phép đội quản lý nhiệm vụ có nhiều thời gian hơn để chốt kế hoạch trở về cho Thử nghiệm bay có người lái Boeing, theo Live Science.


Tàu Starliner nhìn từ cửa sổ trên trạm ISS. (Ảnh: NASA).

Các thành viên Crew-9 được lên lịch thay thế phi hành đoàn Crew-8 hiện nay trên trạm ISS, không thể đến trạm cho tới khi có cổng ghép nối trống. Module ưu tiên là Harmony đang ghép nối với tàu vũ trụ Starliner mắc kẹt trên ISS từ tháng 6. Nhà chức trách vẫn chưa thể xác định ngày trở về của tàu Boeing hay phi hành gia trên tàu, những người đã ở trạm ISS lâu hơn nhiều tháng so với dự kiến. Những kỹ sư NASA đang tranh cãi liệu có nên để tàu Starliner trống bay về Trái Đất và chở phi hành gia về bằng tàu SpaceX vào đầu năm 2025 hay không.

"Khả năng để tàu Starline không người lái bay về tăng thêm một chút dựa trên diễn biến trong 1-2 tuần qua. Đó là lý do chúng tôi đang xem xét kỹ hơn lựa chọn đó", Ken Bowersox, phó giám đốc Ban chỉ đạo nhiệm vụ hoạt động không gian của NASA, cho biết.

Vấn đề bắt đầu không lâu sau khi phi hành gia NASA Butch Wilmore và Sunita Williams bay vào quỹ đạo trên tàu vũ trụ của Boeing sau nhiều năm trì hoãn, khởi hành thành công trong chuyến bay chở người đầu tiên của tàu Starliner từ Trạm lực lượng không gian Cape Canaveral ở Florida hôm 5/6. Theo lịch trình, Wilmore và Williams sẽ ở một tuần trên quỹ đạo, nhưng trong suốt chuyến bay, Starliner gặp một loạt vấn đề, bao gồm 5 lần rò rỉ heli và 5 lần trục trặc ở động cơ đẩy hệ thống điều khiển phản ứng. Điều này buộc các kỹ sư phải giải quyết vấn đề từ mặt đất và kéo dài thời gian ở trên trạm ISS của hai phi hành gia từ một tuần lên hai tháng.

Đội kỹ sư của NASA cho biết họ cần thêm thời gian để thu thập dữ liệu về độ tin cậy của tàu Starliner và xử lý trục trặc. Tuy nhiên, tiến triển tới chuyến bay trở về đang chững lại. NASA hy vọng bắt đầu đánh giá độ sẵn sàng bay với tàu vũ trụ vào đầu tháng 8, nhưng quá trình vẫn chưa bắt đầu. Kiểm tra do các kỹ sư ở Starliner ở White Sands, New Mexico, tiến hành hé lộ khi tàu vũ trụ bay lên trạm ISS, van teflon bên trong 5 động cơ đẩy RCS bị lỗi nhiều khả năng quá nóng và bung ra, cản trở dòng nhiên liệu đẩy, theo NASA.

Thử nghiệm kích hoạt động cơ tiến hành khi tàu Starliner ghép nối với trạm ISS hôm 27/7 cho thấy lực đẩy bình thường, nhưng kỹ sư NASA lo ngại vấn đề có thể tái xuất hiện trong lúc tàu vũ trụ bay trở lại Trái Đất. Họ cũng lo ngại tình trạng rò rỉ heli có thể ảnh hưởng tới một số động cơ đẩy hệ thống điều khiển hướng và hoạt động trên quỹ đạo (OMAC), giúp tàu duy trì đường bay.

Một trong những lý do trì hoãn bay là tàu Starliner không thể tự động tách khỏi trạm ISS, một hoạt động cần thiết nếu NASA quyết định tàu sẽ tự bay về mà không chở theo phi hành gia. Việc cập nhật và kiểm nghiệm phần mềm cần thiết để tiến hành hoạt động này sẽ cần 4 tuần. NASA cũng chuẩn bị một số kế hoạch dự phòng, bao gồm đưa 2 phi hành gia Crew-9 lên ISS thay vì 4 để Wilmore và Williams có thể bay về cùng họ vào tháng 2/2025.

Cập nhật: 08/08/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video