Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra, việc phơi nhiễm chì khi còn nhỏ có liên quan đến sự suy giảm kích cỡ một số vùng trong não và giảm chỉ số thông minh (IQ) ở tuổi trung niên.
Phơ nhiễm chì khi còn nhỏ khiến trí thông minh suy giảm lúc tuổi trung niên.
Các chuyên gia tại Đại học Duke đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 564 người sinh năm 1972-1973, từng tham gia một nghiên cứu sức khỏe thể chất và tâm thần dài hạn tại New Zealand và được xác nhận có phơi nhiễm chì vào lúc 11 tuổi. Tình trạng não bộ của họ vào khoảng 45 tuổi được đánh giá qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI).
Các nhà nghiên cứu nhận thấy nồng độ chì trong máu các đối tượng nghiên cứu cứ tăng thêm 5 microgram/decilit vào lúc 11 tuổi thì chỉ số IQ của họ khi 45 tuổi tương ứng giảm 2 điểm. Không chỉ vậy, diện tích vỏ não của họ cũng giảm 1,19cm2 và thể tích vùng hồi hải mã giảm hơn 0,1cm3. Được biết, vỏ não - còn gọi là “chất xám” - chịu trách nhiệm cho khả năng tư duy, nhận thức, trình bày và hiểu ngôn ngữ, trong khi hồi hải mã đảm trách khả năng học tập và ghi nhớ.
Theo nhóm nghiên cứu, chỉ số IQ thấp hơn ở tuổi trung niên trong trường hợp này là do não bộ kém phát triển vì phơi nhiễm với chì khi còn nhỏ. “Thế hệ trẻ em tiếp xúc với nồng độ chì cao nhất (trong thời kỳ đỉnh cao của xăng pha chì) đang bước vào tuổi trung niên và tuổi già, do đó họ cần được hỗ trợ để giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa não” - đồng tác giả Aaron Reuben nhấn mạnh ý nghĩa của nghiên cứu.