Phòng chống cúm gia cầm cực độc H5N6

Dù chưa có bằng chứng lây từ người sang người nhưng chủng virus cúm A/H5N6 vừa phát hiện tại Việt Nam được cảnh báo có độc lực rất cao.

Danh mục virus cúm gia cầm nguy hiểm lại được mở rộng khi mới đây, Việt Nam phát hiện virus cúm A/H5N6 trên gà, vịt ở Lạng Sơn và Hà Tĩnh. Chủng virus này tương đồng với chủng gây tử vong ở người tại Trung Quốc vào tháng 4/2014.

Mở rộng giám sát

Bộ Y tế cho biết ca nhiễm cúm A/H5N6 làm một bệnh nhân 49 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc tử vong được phát hiện vào tháng 4/2014. Đây cũng là bệnh nhân đầu tiên và duy nhất trên thế giới nhiễm cúm A/H5N6 được ghi nhận tới nay.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N6 trên người. Tuy nhiên, theo thông báo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả giám sát chủ động mới nhất đã phát hiện một số trường hợp dương tính với cúm A/H5N6 trên đàn gà nuôi tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và trên đàn vịt nuôi tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên virus cúm A/H5N6 được ghi nhận tại Việt Nam.

Trước đó, chủng virus này từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan. Đáng lo ngại là kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gene của các mẫu virus cúm A/H5N6 phát hiện ở Việt Nam cho thấy có sự tương đồng đến 99% với chủng virus cúm A/H5N6 gây tử vong đầu tiên trên người tại Tứ Xuyên.

“Theo Tổ chức Thú y Thế giới, đây là chủng virus có độc lực cao, dù chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người nhưng việc phát hiện nó trên gia cầm cũng làm tăng nguy cơ lây lan virus cúm gia cầm cho người” - TS Phu nhận định.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết các cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nhiễm cúm A/H5N6 để đề phòng virus có thể phát tán ra môi trường và đàn gia cầm khác; đồng thời tăng cường lấy mẫu gia cầm ở Hà Tĩnh và Lạng Sơn để xét nghiệm. Theo ông Thành, công tác giám sát các đàn chim hoang và vịt trời cũng đang được thực hiện. Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy đàn chim hoang và vịt trời đã xuất hiện ở khu vực này trước khi dịch bệnh xảy ra.

Nguy hiểm tương đương H5N1

GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, cho rằng sự xuất hiện virus cúm A/H5N6 trên gia cầm ở nước ta đang nối dài danh sách những chủng virus cúm gây bệnh cho người. Trong khi đó, việc nhận diện và phân biệt các chủng virus cúm hiện nay đều phải dựa vào xét nghiệm. Hầu hết các chủng virus cúm khi gây bệnh cho người đều có những biểu hiện lâm sàng giống nhau như sốt, ho, mệt mỏi, nên không loại trừ việc người dân có thể chủ quan trước các dấu hiệu của bệnh.

“Mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N6 được đánh giá tương đương A/H5N1. Sự trở lại của cúm A/H5N1, việc tồn tại của cúm A/H1N1, nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập và sự xuất hiện của chủng cúm mới A/H5N6 là thực sự đáng lo ngại vì những biến đổi khó lường của virus cúm. Chúng đặc biệt nguy hiểm bởi cơ thể người chưa có kháng thể chống lại những virus mới, trong khi đặc tính của virus cúm là luôn biến đổi để thích nghi” - GS Huấn lo ngại.


Giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc có nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm

Theo GS-TS Trịnh Quân Huấn, đáng lo ngại hơn nữa là tình trạng gia cầm, thủy cầm mang mầm bệnh mà không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn là nguồn lây cho người. Điều này khiến cho việc kiểm soát bệnh gặp nhiều khó khăn.

Giới chuyên môn cho rằng việc phân biệt các chủng virus cúm ban đầu rất khó nên đối với các đơn vị y tế, nếu nghi ngờ cúm thì nên sử dụng Tamiflu. GS Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh cũng giống cúm A/H5N1, bệnh do virus cúm A/H5N6 có diễn biến nhanh; nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì có thể cứu sống bệnh nhân. Do vậy, cần đặc biệt lưu ý khi ở những vùng có gia cầm chết lại xuất hiện những người có biểu hiện ho, sốt cao, đau đầu, nhức mỏi…

Các chuyên gia dịch tễ cũng lưu ý với chủng virus cúm A/H7N9 gây dịch tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khiến hàng trăm người mắc và tử vong, dù Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc nhưng nguy cơ cũng rất lớn, nhất là khi Việt Nam đã phát hiện virus cúm A/H5N6 trên gia cầm giống với chủng virus ở Trung Quốc. Rất có thể virus cúm A/H5N6 xâm nhập theo các đoàn xe chở gia cầm lậu.

Trong khi đó, với cúm A/H5N1, dù nhiều tháng nay không ghi nhận trên người nhưng thời gian qua vẫn tiếp tục xuất hiện các ổ dịch trên gia cầm. Đồng thời, dịch cúm đã có hiện tượng liên tục biến đổi gien, xuất hiện các chủng cúm mới.

Kiểm soát buôn bán gia cầm qua biên giới

Theo các chuyên gia dịch tễ, vấn đề quan trọng nhất để ngăn ngừa cúm A/H5N6 cũng như các chủng virus cúm khác trong thời điểm này là phải kiểm soát thật tốt tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu. Bộ Y tế đã khuyến cáo các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm là không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng gia cầm chưa được kiểm dịch; che miệng, mũi khi ho, hắt xì hơi; sử dụng đồ phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc gia cầm; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh hô hấp cấp...

Theo NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video