Phòng ngừa viêm nhiễm, dị ứng ở mắt

Dị ứng nói chung và các viêm nhiễm do dị ứng tại mắt nói riêng là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Tự bảo vệ mình trước những dị nguyên, uống nhiều nước, uống vitamin C thường xuyên là cách thức phòng hộ cá nhân tốt nhất trước khi y học có những phương pháp điều trị hoàn hảo hơn.

2 dạng viêm kết giác mạc mùa xuân: có tổn thương vùng rìa (trái) và có “đảo loét” ở giác mạc (Ảnh: TTO)
Mùa xuân là mùa có độ ẩm cao, nhiệt độ trong ngày dao động mạnh từ 8-10 độ, nồng độ các dị nguyên trong không khí (phấn hoa, bụi, mốc, vi nấm) cao lên gấp bội so với các mùa khác trong năm. Hiển nhiên là những người có cơ địa dị ứng sẽ khổ sở vì những bất lợi do thời tiết vừa nêu trên. Bệnh hen suyễn, bệnh viêm mũi xoang, mắt, dị ứng sẽ có cơ hội để bùng phát. Với chuyên ngành mắt thì các bệnh nhân đến khám vì viêm kết mạc dị ứng các loại, các sang chấn mắt do côn trùng cũng tăng đột biến.

Các viêm nhiễm có tính chất dị ứng

Viêm kết mạc theo mùa: Bệnh hay xảy ra trên bệnh nhân có cơ địa dị ứng - viêm mũi xoang dị ứng chẳng hạn. Mật độ dị nguyên trong không khí cao lên nhiều vào mùa xuân: phấn hoa, cỏ khô, lông và phấn của côn trùng. Hiển nhiên là chúng sẽ khơi mào cho các viêm nhiễm dị ứng tại đường thở và ở mắt. Vì liên quan đến dạng quá mẫn týp I thông qua kháng thể loại IgE nên sau khi tiếp xúc với dị nguyên người bệnh sẽ xuất hiện nhanh chóng các triệu chứng: sưng phù mi - kết mạc, ngứa mắt, đỏ mắt, ra gỉ mắt dạng keo nhày.

Bệnh có tính thời vụ và điều trị không phức tạp lắm. Chườm lạnh tại chỗ làm bệnh nhân dễ chịu rõ rệt. Các thuốc tra nhỏ mắt khá đa dạng và sẵn có trên thị trường: thuốc co mạch tại chỗ làm mắt giảm sưng phù và đỏ mắt nhanh, nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lý để rửa trôi dị nguyên và an dịu mắt, các thuốc kháng histamin và ổn định dưỡng bào dạng nhỏ mắt thường có tác dụng rất tốt.

Viêm kết giác mạc mùa xuân: Tên của bệnh nghe có vẻ lãng mạn, thế nhưng những phiền toái mà bệnh gây nên cho cả bệnh nhân và thầy thuốc lại không hề “lãng mạn” chút nào. Bệnh phần lớn xảy ra ở nam thiếu niên, có xu hướng tái phát theo chu kỳ xuân - hè, ảnh hưởng rất lớn đến học tập của các cháu, gây phiền muộn cho các bậc phụ huynh. Thường gặp ở trẻ có tiền sử dị ứng: chàm, hen suyễn...

Triệu chứng cơ bản là ngứa, càng gãi, càng day dụi thì càng thích. Điều này liên quan đến biến chứng có thể có là loét giác mạc do trẻ day dụi quá mạnh. Mắt không đỏ nhiều, ra gỉ mắt dạng keo ở mức độ vừa phải. Ở dạng có tổn thương giác mạc trẻ sẽ có cảm giác nóng rát, sợ sáng và chảy nước mắt liên tục.

Khi thăm khám thấy tổn thương có các dạng:

- Dạng khu trú ở kết mạc: tăng sinh nhú gai chủ yếu ở kết mạc mi trên, có khi phát triển như sỏi cuội gọi là nhú khổng lồ.

- Dạng có tổn thương ở vùng rìa: hay xảy ra ở những người da đen và tiên lượng tốt hơn trên. Bệnh nhân có cương tụ rìa khu trú vùng rìa dày lên trông như dán keo và có nhiều nốt trắng đục.

- Dạng có tổn thương ở lòng đen kèm theo: viêm biểu mô dạng chấm, loét và hoại tử dạng “đảo loét”, sẹo dưới biểu mô...

Các thuốc chống viêm dạng không có steroid, thuốc ổn định dưỡng bào, nước mắt nhân tạo các loại chỉ đem lại dễ chịu cho bệnh nhân phần nào. Những cơn kịch phát chỉ giảm nhanh khi gặp vũ khí mạnh - corticosteroid. Sự nôn nóng của người bệnh thúc ép các bác sĩ phải dùng vũ khí trên hoặc bản thân họ tự mua dùng sẽ kèm theo hệ lụy: biến chứng do dùng cortizol kéo dài mà nghe thấy ai cũng phải sợ: glôcôm, loét và hoại tử giác mạc do bội nhiễm nấm - vi khuẩn - herpes, đục thể thủy tinh... Với thể viêm này quan điểm điều trị là:

- Chườm lạnh sẽ làm đa phần bệnh nhân dịu được cơn ngứa, tránh day dụi tối đa.

- Nước mắt nhân tạo không bao giờ là thừa, tốt nhất là loại không có chất bảo quản.

- Các thuốc ổn định dưỡng bào và các chế phẩm steroid nên được dùng xen kẽ với nhau. Steroid được khuyên dùng trong cơn kịch phát, liều cao trong 5-7 ngày rồi dừng, sau đó thay thế bằng các thuốc kháng histamin tại chỗ - ổn định dưỡng bào hoặc chống viêm không có steroid.

Viêm kết mạc - giác mạc kiểu atopi: là bệnh hiếm gặp. Các trường hợp điển hình xảy ra trên bệnh nhân bị viêm da dị ứng: viêm da vùng cổ bên, mặt duỗi của tay, các nếp gấp tự nhiên. Thêm nữa bản thân bệnh nhân hoặc thân nhân đã từng bị hoặc đang bị hen, viêm mũi dị ứng.

Các dấu hiệu lâm sàng không mang tính đặc trưng cao: không có hoặc có ít cơn kịch phát, nhú gai trung bình và lan tỏa cả kết mạc mi trên và mi dưới, phù kết mạc mạnh và tân mạch giác mạc. Lâu dài bệnh thường gây ra sẹo kết mạc hoặc dính mi cầu. Sẹo giác mạc gây giảm thị lực rất hay gặp, nhất là nếu bệnh nhân bị viêm nhiễm phối hợp do herpes hoặc cầu khuẩn.

Điều trị bệnh rất khó khăn do tỷ lệ phụ thuộc vào cortizol rất cao. Các thuốc kháng histamin dạng uống có thể dùng nếu bệnh nhân ngứa nhiều.

Dị ứng nói chung và các viêm nhiễm do dị ứng tại mắt nói riêng là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Con người đã tiến những bước dài trong vệ sinh cá nhân. Chính vì vậy mà tỷ lệ bệnh do nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng có vẻ giảm đi. Thế nhưng dị ứng với những căn nguyên đan xen giữa yếu tố thiên bẩm, gia đình, rối loạn miễn dịch, ô nhiễm công nghiệp lại ngày càng phổ biến. Tự bảo vệ mình trước những dị nguyên, uống nhiều nước, uống vitamin C thường xuyên là cách thức phòng hộ cá nhân tốt nhất trước khi y học có những phương pháp điều trị hoàn hảo hơn.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, TTO
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video