(khoahoc.tv) - Lạc và hạt cây có tỷ lệ gây dị ứng thấp hơn ở những trẻ mà mẹ của chúng ăn các thực phẩm này trong thai kỳ, một nghiên cứu mới phát hiện cho biết.
Phụ nữ không cần phải lo lắng rằng ăn lạc (đậu phộng) trong thai kỳ có thể làm con của họ phát triển chứng dị ứng với lạc, theo một nghiên cứu thuộc bệnh viện nhi Boston (Boston Children’s Hospital) xuất bản trực tuyến hôm 23/12/2013 trong tờ JAMA Pediatrics.
“Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy, tăng lượng tiêu thụ lạc ở mẹ mang thai, những người không bị dị ứng với lạc liên quan tới tỷ lệ dị ứng lạc thấp hơn ở thế hệ con cái của họ”, tác giả cấp cao của nghiên cứu, Michael Young, MD, thuộc Khoa Nhi của bệnh viện Boston về dị ứng và miễn dịch học cho biết. “Nếu cô ấy không bị dị ứng với lạc, chẳng có lý do gì để cô ấy phải tránh ăn lạc trong suốt thời kỳ mang thai”.
Trước đây, phụ nữ được khuyên là nên tránh các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như lạc hay các loại hạt trong suốt thời kỳ mang thai và khi cho con bú, và rằng lũ trẻ của họ nên tránh không ăn lạc cho tới khi được 3 tuổi. Mục đích của những khuyến cáo này, bất chấp sự thiếu hụt bởi các nghiên cứu hỗ trợ, là nhằm giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc với các chất gây dị ứng và nhạy cảm, từ đó giảm nguy cơ phát triển dị ứng với lạc từ thời thơ ấu.
Viện hàn lâm nhi khoa của Mỹ đã đưa ra lời khuyến nghị trên vào năm 2000. Tuy nhiên, từ năm 1997 đến năm 2007, số lượng các ca dị ứng lạc tại Mỹ đã tăng lên gấp ba, làm cộng đồng y tế phải xem xét lại lời khuyến nghị này. Dựa trên việc thiếu các bằng chứng hỗ trợ về phòng tránh trong chế độ ăn uống, tổ chức này đã hủy bỏ khuyến nghị trên vào năm 2008.
“Không ai có thể khẳng định rằng lời khuyến nghị, tránh dùng lạc là có liên quan tới số lượng ca bị dị ứng với lạc tăng lên, quan sát thấy trong những thập niên 90 và đầu những năm 2000, nhưng có một điều chắc chắn, đó là nó đã không làm ngừng gia tăng các ca dị ứng với lạc”, Young nói. “Rõ ràng là cần có một cách tiếp cận mới, mở đường cho một nghiên cứu mới”.
Để làm rõ mối liên quan giữa chế độ ăn của phụ nữ mang thai và sự phát triển dị ứng với thực phẩm ở thế hệ sau, Young và nhóm nghiên cứu của ông đã phân tích một lượng dữ liệu lớn được cung cấp bởi nghiên cứu Growing Up Today Study (GUTS).
Kiểm tra các hồ sơ của 8.205 trẻ, các nhà nghiên cứu đã xác định được 140 trường hợp dị ứng với lạc và hạt cây. Sau đó họ đã xem xét chế độ ăn của mẹ các trẻ này – đặc biệt là xem xét lượng tiêu thụ lạc và hạt – trong suốt thời gian mang thai và so sánh chúng với thói quen ăn uống của những phụ nữ mang thai mà con của họ không bị dị ứng với lạc.
Young và nhóm nghiên cứu phát hiện thấy, tỉ lệ dị ứng lạc là thấp hơn đáng kể giữa những trẻ trong nghiên cứu này mà mẹ chúng đã ăn lạc trong suốt thai kỳ. Mặc dù đây là một phát hiện đáng kể, các dữ liệu chứng minh chỉ là một mối liên hệ giữa chế độ ăn uống của bà mẹ và nguy cơ dị ứng với lạc ở trẻ em.