Các khoa học gia vừa tìm ra một loại protein mở ra hi vọng mới cho các bệnh nhân bị bỏng nặng.
Hy vọng phục hồi da cho các bệnh nhân bị bỏng
Ước tính hàng năm có hàng trăm ngàn nạn nhân bị bỏng, trong đó có rất nhiều trường hợp nghiêm trọng cần sự can thiệp của phẫu thuật. Nhưng dù cho các y bác sĩ rất cố gắng, hầu hết các trường hợp đều để lại di chứng nhất định, từ sẹo bỏng, biến dạng cơ thể, thậm chí trở nên khuyết tật.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vừa tìm ra một thụ thể tín hiệu đến tế bào mới, đem lại hi vọng cho những nạn nhân đang phải gánh chịu “hậu quả từ lửa”.
Đường dẫn tín hiệu này giúp nạn nhân tăng khả năng phục hồi các tế bào nang tóc, lông và da. Các loại thuốc bổ trợ khiến khả năng để lại sẹo giảm đi.
Niềm hi vọng mới cho các nạn nhân bị sẹo bỏng
Giáo sư Luis Garza, chuyên khoa da liễu thuộc ĐH Johns Hopkin cho biết: “Rất nhiều người không biết rằng các nang tóc có trên toàn bộ cơ thể chúng ta, thậm chí tại những khu vực không có lông tóc. Khi quan sát khuôn mặt trong gương, tất cả phần da ta thấy thực chất được bao phủ bằng rất nhiều nang lông tí hon. Sự hiện diện của nang lông là thứ khiến một gương mặt thông thường và một gương mặt bị sẹo trở nên khác biệt”.
Để đưa ra kết luận, giới chuyên gia tiến hành thí nghiệm ở hai nhóm chuột. Một nhóm cho thấy khả năng phục hồi da và lông khi bị thương tốt hơn hẳn so với nhóm còn lại.
Khi phân tích di truyền, các khoa học gia xác định được thụ thể trung gian phát truyền tín hiệu gene của nhóm này lớn hơn gấp 3 lần so với nhóm chuột phục hồi kém hơn.
Họ nhận thấy một loại protein mang tên TLR3 chịu trách nhiệm kích thích phục hồi da và tóc. Protein này là thụ thể gắn với ARN mạch kép (dsRNA), chất có tác dụng xác định tổn thương và kích hoạt hệ miễn dịch. Protein TLR3 sẽ tác động đến 2 gene: IL6 và STAT3, 2 gene giúp cơ thể phục hồi vết thương.
ARN mạch kép
Ngoài ra, TLR3 cũng kích hoạt các phân tử chịu trách nhiệm phát triển tóc, cùng gene EDAR rất quan trọng trong việc phục hồi da.
Các nhà nghiên cứu sau đó tìm cách xác định tác động của TLR3 từ vết xước trên da người. Họ thấy rằng, TLR3 trên da bị xước nhiều gấp 5 lần so với làn da khỏe mạnh. Trong một thí nghiệm khác trên chuột, việc tăng số lượng dsARN trên chuột bị xước da cũng khiến số lượng nang tóc phục hồi tăng đáng kể.
Garza giải thích rằng, các nang tóc chính là nơi mạnh máu, dây thần kinh và các tế bào kết nối với da. Giả thiết được đưa ra là khi tạo các nang tóc mới, chúng ta có thể đẩy mạnh các yếu tố trên, giúp tổng hợp lại da mới với tốc độ nhanh hơn. Điều này có thể khiến các vết bỏng trở nên giống làn da bình thường hơn.
Các khoa học gia đang hợp tác cùng nhiều công ty dược nhằm xác định ra hợp chất kích hoạt TLR3 và có thể nói hiện nay họ đang ở rất gần với điều này. Tuy nhiên, quá trình này cần nhiều năm nghiên cưu trước khi được ứng dụng trên con người.