Phương pháp mới giúp phục hồi tế bào chống ung thư

Các chuyên gia tìm ra vai trò của nốt sần trên tế bào NK của hệ miễn dịch, giúp phát triển những biện pháp chống ung thư mới.

Nhóm chuyên gia từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc phát hiện một cơ chế chưa từng được biết đến trong quá trình khối u thoát khỏi hệ miễn dịch của cơ thể, SCMP hôm 10/4 đưa tin. Cơ chế này có thể giúp tìm ra cách khôi phục chức năng cho các tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK), củng cố tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại ung thư và các bệnh khác.


Các nhà nghiên cứu Trung Quốc xác định được vai trò của những nốt sần trên tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK). (Ảnh: SCMP)

Tế bào NK của hệ miễn dịch có thể nhận biết và tiêu diệt những khối u và tế bào nhiễm virus ở giai đoạn rất sớm, nhưng đa số tế bào u ở giai đoạn phát triển có thể tránh bị phát hiện bằng cách nào đó.

"Nghiên cứu mới mang đến những chiến lược mới để phát triển các liệu pháp miễn dịch tế bào NK", nhóm nghiên cứu cho biết trên website của Viện Khoa học Trung Quốc (CAS). Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Immunology.

Sử dụng kính hiển vi để chụp ảnh cấu trúc liên kết bề mặt của tế bào NK trong và ngoài khối u, nhóm chuyên gia nhận thấy những khác biệt đáng chú ý. Họ so sánh tế bào NK từ khối u của bệnh nhân ung thư gan với tế bào NK máu ngoại vi và gan bình thường. Bề mặt của màng tế bào NK khỏe mạnh được bao phủ bởi các nốt sần, trong khi khối u bị cắt bỏ có rất ít phần nhô ra.

Nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra xem tình trạng thiếu nốt sần có liên quan đến việc khối u trốn khỏi hệ thống miễn dịch hay không. Họ phát hiện, các tế bào NK bên trong khối u không thể "liên lạc" với các tế bào u.

Nghiên cứu kết luận rằng tế bào NK bình thường sử dụng những phần nhô ra của màng để nhận biết và bắt giữ tế bào u, đồng thời thúc đẩy tương tác giữa các tế bào để tạo nên những khớp thần kinh miễn dịch. Sự tương tác này rất cần thiết cho quá trình kích hoạt và điều chỉnh phản ứng miễn dịch, đóng vai trò trọng yếu trong việc chống nhiễm trùng và ung thư. Tuy nhiên, các tế bào NK mắc kẹt bên trong khối u ở giai đoạn phát triển đã mất đi phần nhô ra và khả năng tạo ra khớp thần kinh miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư.

Nhóm chuyên gia cũng nhận thấy sự sụt giảm đáng kể một thành phần quan trọng của màng tế bào, sphingomyelin (SM), ở các tế bào NK bên trong khối u, có vẻ góp phần khiến bề mặt của chúng trở nên nhẵn hơn.

Theo nghiên cứu, các chất ức chế nhắm đến sphingomyelinase - loại enzyme phân giải SM thành các hợp chất khác - có thể làm tăng đáng kể lượng SM trong màng tế bào NK, phục hồi các nốt sần và cải thiện khả năng nhận biết và tiêu diệt khối u. Nhóm nhà khoa học đã sử dụng hai chất ức chế để ngăn chặn có chọn lọc quá trình dị hóa SM trong màng tế bào, dẫn đến sự gia tăng rõ rệt trong việc hình thành các nốt sần ở màng của tế bào NK trong khối u.

Cập nhật: 15/04/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video