Poison Garden - Khu vườn chết chóc nhất thế giới

Có gì bên trong khu vườn chỉ cần chạm vào 1 chiếc lá cũng có thể chết người?

Nếu vô tình lạc vào khu vườn này, bạn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, vậy có gì bên trong nó?

Poison Garden (vườn độc) ở thành phố Northumberland, Anh, là nơi sinh sống của hơn 100 loại cây độc hại, gây ảo giác và gây mê khác nhau. Và hiện nó đang mở cửa cho công chúng.

Trên cánh cổng sắt màu đen dẫn vào khu vườn có dòng chữ “Những loài cây này có thể giết người” và hình đầu lâu và xương chéo. Lời cảnh báo này không phải là một trò đùa - mảnh đất đằng sau cánh cổng này là khu vườn chết chóc nhất trên thế giới.


Cổng vào khu vườn chết chóc nhất thế giới.

Khu vườn ra đời bắt nguồn từ ý tưởng của công tước thứ nhất Northumberland vào năm 1750. Vị công tước thứ 3 đã sưu tập hạt giống từ khắp nơi trên thế giới để mở rộng khu vườn.

Tới đời công tước thứ 4, khu vườn trở thành khu vườn nhà kính lớn kiểu Ý. Sau đó tới cuối thế kỷ 19, nó được thiết kế lại rộng hơn cùng với nhiều hàng rào nhỏ và những cánh đồng hoa đầy màu sắc. Thế nhưng, sau Thế chiến thứ II, khu vườn rơi vào tình trạng bị bỏ hoang vì chiến tranh.

Tới năm 1995, Lady Jane, nữ công tước thứ 12 của Northumberland quyết định quy hoạch lại sau chuyến tham quan khu vườn độc dược của gia đình Medici ở Ý. Bà thiết kế khu vườn với nhiều loại thực vật có tác dụng chữa bệnh để giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, ý tưởng này nhanh chóng thất bại bởi các loại thảo mộc đơn thuần này không gây chú ý với lũ trẻ.

Do đó, đến năm 2005, nữ công tước sưu tầm thêm hơn 100 loại cây độc để trồng trong vườn. Tổng chi phí thiết kế và phát triển khu vườn lên tới 42 triệu bảng Anh. Kể từ đó, khu vườn độc dược Alnwick đã thu hút được hơn 800.000 lượt khách tới thăm mỗi năm.

Poison Garden thuộc vườn Alnwick ở thành phố Northumberland (Anh) là nơi sinh sống của hơn 100 loại cây độc hại, gây mê và gây ảo giác. “Trước khi vào, mỗi du khách đều được phổ biến về an toàn. Họ không được phép chạm vào, nếm hoặc ngửi bất cứ thứ gì - tuy nhiên, như trang web chúng tôi đã lưu ý, thỉnh thoảng vẫn có khách tham quan bị ngất xỉu vì hít phải khí độc”, ông Dean Smith, hướng dẫn viên tại Poison Garden cho biết.


Cây thầu dầu – loài cây độc nhất thế giới

Một trong những loại cây nguy hiểm được trồng ở đây là cây đan sư hay cây sói rừng, có chứa aconitine - một chất độc thần kinh và tim mạch. Nhưng nó vẫn chưa phải là thứ tồi tệ nhất. “Có lẽ loài thực vật độc nhất mà chúng tôi có ở đây là cây Ricin hay còn gọi là cây thầu dầu. Sách Kỷ lục Guinness coi đó là loài thực vật độc nhất thế giới, ông Smith nói.

Đáng ngạc nhiên là nhiều cây mọc trong vườn là loài khá phổ biến. “Nhiều loài thực vật ở đây mọc dại ở Anh và hầu hết các loài thực vật đều dễ trồng một cách đáng báo động”, ông Smith cho biết. Ngay cả những bụi vườn nhà phổ biến như đỗ quyên cũng có mặt ở đây. Nếu ăn phải những chiếc lá của nó, độc tố grayanotoxin bên trong chúng sẽ tấn công hệ thần kinh của bạn. “Nhưng bạn sẽ không thể ăn lá đâu, bởi vì chúng có vị rất tệ”, ông trấn an.

Và sau đó là cây Laburnum, loài cây độc thứ hai ở Anh (chỉ sau cây thủy tùng). Nhiều người trồng chúng quanh nhà vì hoa màu vàng rất đẹp, nhưng chúng lại chứa một chất độc tên là cytisine. “Cái cây rất độc, đến nỗi nếu một cành cây của nó rơi xuống đất, và rồi vài tháng sau một con chó nhặt nó lên bằng miệng, khả năng rất cao là con chó ấy sẽ không qua khỏi”, ông Smith giải thích.


Khu vườn Alnwick có tới hơn 100 loại cây độc. (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, các loài cây ở đây hướng nọc độc của chúng không chỉ vào người và động vật. Như ông Smith giải thích, nếu đủ số lượng đỗ quyên mọc gần nhau, chúng sẽ làm đất bị nhiễm độc - khiến cho thứ cây duy nhất có thể phát triển là loài đỗ quyên. Và nếu ong chỉ lấy mật từ cây đỗ quyên, chất lỏng sẽ có màu đỏ và với liều lượng nhỏ, có đặc tính gây ảo giác. “Nhưng liều lượng lớn hơn sẽ gây tử vong”, ông cảnh báo.

Một số loài thực vật khác có thể giết người ngay cả khi không ăn, chạm vào và ngửi. Có một loại cây trong vườn có thể giết chết bạn chỉ qua việc cắt tỉa nó. Lá của cây Prunus laurocerasus (còn được gọi là nguyệt quế anh đào) có chứa hai thành phần, cyanogenic glycoside và cyanide ion. Tuy hai thành phần này riêng biệt sẽ không gây hại, nhưng nếu ta lấy dao cắt lá cây, thì chúng sẽ tạo ra khí xyanua - chất độc gây nguy hiểm chết người.

Cây hellebores là loài thực vật nguy hiểm phổ biến ở đây. Rễ cây có độc tố sẽ làm tim bạn ngừng đập và nhựa cây có chất kích ứng da mạnh. Vì vậy, hãy luôn đeo găng tay, ông Smith cảnh báo và đừng tháo chúng ra bằng cách dùng răng. Đó là điều tối kỵ mà những người làm vườn ở đây sẽ không bao giờ làm. Ông Robert Ternent, người phụ trách các nhân viên làm vườn nói, các nhân viên ở đây phải thực hiện nhiều bước an toàn khác nhau. “Khi xử lý những cây ngò tây khổng lồ, bạn phải được trang bị đầy đủ: bộ đồ bảo hộ cùng với khẩu trang và găng tay”, ông Smith cho biết.

Tuy nhiên, cô Amy Thorp, một nhân viên làm vườn lại không cảm thấy lo sợ. “Tôi nghĩ rằng những loài cây này đã ở đây trước khi chúng ta xuất hiện. Vì vậy, chúng ta nên tìm hiểu về các công dụng của chúng. Không phải tất cả bọn chúng đều xấu, nhiều loài thực vật ở đây được sử dụng cho mục đích tốt”, cô nói.

Trên thực tế, một số loài thực vật ở đây là thuốc chữa bệnh tuyệt vời, ví dụ như cây thủy tùng được sử dụng trong điều trị ung thư vú. Và cây dừa cạn cũng là một “con dao hai lưỡi”: thành phần của nó có thể gây tử vong, nhưng nếu được chế biến đúng cách, nó sẽ tạo ra những loại thuốc có lợi.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi khu vườn là một phần của chương trình giáo dục về ma túy. Như bà Claire Mitchell, người đứng đầu cộng đồng và giáo dục giải thích: “Đông bắc nước Anh có tỷ lệ tử vong do ma túy cao nhất ở Anh và xứ Wales. Chúng ta cần phải làm gì đó để đưa thông tin đến những bạn trẻ ở đó. Vì vậy, chương trình giáo dục về ma túy bắt nguồn từ các chuyến tham quan Poison Garden, nơi chúng tôi có các cây ma túy, và toàn bộ mục đích đằng sau nó là ngăn chặn tác hại của chúng”.

Thật vậy, như ông Smith nói, khu vườn trồng “ma túy từ A đến C”. Họ trồng cây thuốc phiện (một loại ma túy loại A), cần sa (loại B) và Catha edulis, thường được gọi là “khat” (loại C). Nhưng du khách không nên có bất kỳ ý tưởng hái trộm nào. Theo ông Ternent, các nhân viên tại Poison Garden được pháp luật yêu cầu giám sát tỉ mỉ, đếm và lập hồ sơ báo cáo về các cây ma túy của họ - và sau đó nộp bằng chứng rằng họ đã phá hủy chúng vào cuối mỗi mùa.

Cập nhật: 24/08/2024 Tiền Phong/VTC
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video