Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận quẩn thể lâu đài Mirsky của Belarus là Di sản văn hóa thế giới năm 2000.
Quần thể lâu đài Mirsky nằm ở thành phố Mir vùng Karelichy thuộc tỉnh Hrodna, Belarus cách lâu đài Nesvizh khoảng 30 km.
Quần thể lâu đài Mirsky được xây dựng bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 15 theo phong cách Gothic. Đầu tiên lâu đài chỉ có 1 khổi chứ không phải cả một quần thể như hiện nay. Từ công trình đầu tiên được xây dựng với phong cách Gothic, lâu đài được xây dựng bổ sung thêm nhiều phần với các phong cách khác nhau như phong cách Phục Hưng và Baraque. Sau khi bị bỏ rơi trong một thời gian dài gần 1 thế kỷ, công trình kiến trúc này bị thiệt hại nghiêm trọng. Mãi tới thế kỷ thứ 19, lâu đài mới bắt đầu được trùng tu lại. Cũng trong thời gian trùng tu này, một số cảnh quan khu vực xung quanh và bên ngoài khuôn viên lâu đài được xây bổ sung. Năm 2000, quần thể lâu đài Mirsky được Unesco công nhận theo các tiêu chí (ii), (iv).
Tiêu chí (ii): Quần thể lâu đài Mirsky là minh chứng trong sự tiếp nối văn hóa và phong cách thiết kế từ trường phái Gothic đến Phục hưng và Baraque. Sự kết hợp của các trường phái kiến trúc đã tạo nên một công trình ấn tượng trong số các lâu đàu của Châu Âu.
Tiêu chí (iv): Quần thể lâu đài Mirsky nằm trong khu vực có lịch sử lâu dài về sự hợp nhất giữa nhiều nền văn hóa, chính trị.
Công trình đầu tiên thuộc quần thể lâu đài Mirsky được Công tước Llinich cho khởi công xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 15 gồm những bức tường và tháp cao. Những kiến trúc này được xây dựng theo phong cách kiến trúc kiểu Gothic. Không lâu sau đó, việc xây dựng bị dừng lại vì một nguyên nhân nào đó. Đến năm 1568, lâu đài Mirsky được chuyển nhượng quyền sở hữu sang cho Công tước Radvila – Công tước của đại công quốc Litva. Vị công tước này là người đã bổ sung thêm một vài phần khác theo phong cách Phục Hưng trong đó có một dinh thự 3 tầng được xây dọc theo các tường phía phía đông và phía bắc của lâu đài ban đầu. Dinh thự rộng lớn với nhiều phòng khách, phòng ăn nghỉ rất nguy nga và tráng lệ. Những kiến trúc này được công tước Radvila giao cho kiến trúc sư người Ý tên là Maria Bernardoni thực hiện.
Từ năm 1655 đến năm 1705, quần thể lâu đài Mirsky lại được xây dựng, sửa chữa và bổ sung thêm một vài phần kiến trúc và công trình nhỏ khác. Những công trình được xây dựng vào thời kỳ này có phong cách Baraque. Sau thời gian hoàng kim, lâu đài bị xuống cấp và bỏ hoang trong gần 1 thế kỷ.
Năm 1813, sau khi Công tước Dominik Radvila qua đời, quần thể lâu đài Mirsky được trao cho con gái là Stefania. Stefania kết hôn với Ludwig zu Sayn – Wittgenstein Berleburg và có con gái là Maria. Maria đã kế hôn với Hoàng tử Chlodwig Hohenloche – Schilingsfurst sinh ra con trai tên là Maurice Hohenloche – Schilingsfurst. Năm 1895, người con trai Maurice Hohenloche – Schilingsfurst đã bán lại lâu đài cho Nikolaj Sviatopolk Mirsky. Con trai của Nikolaj là Michail bắt đầu xây dựng lại lâu đài vào đầu thế kỷ 19 và tới năm 1939 việc sửa chữa, xây lại một số phần mới được hoàn thành. Trong lần sửa chữa và xây lại này, Michail Sviatopolk Mirsky đã nhờ đến kiến trúc sư danh tiếng vào thời đó là Teodor Bursze. Kiến trúc sư Teodor Bursze đã thiết kế thêm một công viên nhỏ và một hồ nước bên ngoài lâu đài, công trình phụ này đã thực sự làm tăng thêm vẻ hấp dẫn và lãng mạn cho lâu đài Mirsky.
Có thể nói, quần thể lâu đài Mirsky là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau được kết hợp với nhau tạo nên một tổng thể hài hòa. Các phần kiến trúc hầu hết được xây dựng bằng gạch, các cửa sổ và khung ban công được xây bằng đá sa thạch. Trong khuôn viên của quần thể lâu đài Mirsky còn có những công trình phụ cũng đều là những tuyệt tác kiến trúc như khu nhà thờ, vườn tiểu cảnh, hồ nước... Đặc biệt là nhà thờ với mặt tiền được trang trí bằng hình ảnh chạm khắc chứa Kito, dưới hầm nhà thờ là khu hầm mộ của gia tộc Mirsky.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, quần thể lâu đài Mirsky bị quân đội Đức quốc xã chiếm đóng là nơi giam giữ người Do thái trước khi giết họ. Cho đến năm 1982, một lần nữa lâu đài lại được tu bổ, trùng tu để trả lại dáng vẻ ban đầu thời hoàng kim của nó. Trong thời gian này, một đài tưởng niệm nhỏ cũng được dựng lên để tưởng niệm những nạn nhân của vụ thảm sát trong thế chiến thứ 2.