Huê là loại cây gỗ cực kỳ quý hiếm, chỉ có ở vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ nhiều năm nay, cây Huê được xác định đã tuyệt chủng do bị săn lùng và khai thác trái phép. Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Cứu hộ vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã nhân giống thành công bằng phương pháp giâm hom và gieo hạt.
(Ảnh: VTV) |
Kỹ sư Võ Bá Phong - Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Chúng tôi đã triển khai thử nghiệm bằng phương pháp gieo hạt thì thấy, hiệu suất nảy mầm của cây con rất cao. Hạt ở cây mẹ 2-3 năm tuổi có tỷ lệ nảy mầm cao hơn ở cây mẹ 1 năm tuổi. Hiện tại, nguồn hạt còn hết sức khó khăn, nhưng tỷ lệ nảy mầm ở lô thí nghiệm mà chúng tôi vừa tổng hợp đến hơn 80% - như vậy là rất khả quan".
Theo Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Cứu hộ vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hiện nay nguồn gỗ Huê cổ thụ trên lãnh thổ Việt Nam gần như đã bị tận diệt bởi nạn khai thác trái phép của lâm tặc. 1m3 gỗ Huê thành phẩm có giá khoảng 500-600 triệu đồng trước khi xuất qua Đài Loan và Hồng Kông, đã khiến giống cây này (dùng làm hương liệu và quan tài ướp xác) bị săn lùng ráo riết. Hiện nay, những đầu nậu buôn lậu loại gỗ này đang ra giá rất cao đối với nguồn gỗ Huê còn lại trên đất Lào. Một dự án bảo tồn loài Huê quý hiếm đang được cân nhắc, triển khai nhằm bảo vệ đa dạng sinh học vùng Phong Nha - Kẻ Bàng.
Cũng theo Kỹ sư Võ Bá Phong, cây Huê phù hợp với khá nhiều vùng đất, đặc biệt là đất đồi ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và những xã vùng đệm. Một số hộ dân đưa cây con về trồng đã phát triển rất tốt, cây 5 năm tuổi có đường kính từ 5-10 cm. Trong tương lai, Trung tâm sẽ đưa loại cây này vào trồng và sẽ có những chương trình tái tạo dài hơi hơn.