Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị này đã thực hiện nghiên cứu phục tráng thành công hai giống chuối trên địa bàn huyện Hướng Hóa bằng phương pháp Invitro.
Một luống chuối giống của đề tài. |
Tại huyện miền núi dân tộc Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị, trong nhiều năm trở lại đây, cây chuối đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu của nhiều hộ gia đình. Mặt hàng chuối không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa, mà còn xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản. Nhờ nguồn thu nhập từ chuối mà rất nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên khá giả với thu nhập mỗi năm từ 60-70 triệu đồng, có mô hình thu nhập trên trăm triệu đồng.
Vì vậy, trong hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hướng Hóa, cây chuối đã được xác định là loại cây trồng chủ lực được nông dân tập trung đầu tư mở rộng diện tích. Hiện toàn huyện Hướng Hoá đã phát triển diện tích trồng chuối đạt khoảng 1.500ha, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Long, Tân Thành, Lao Bảo và một số xã vùng Lìa.
Tuy nhiên, do giống chuối ngày càng già cỗi, thoái hóa sâu bệnh, cộng với quy trình canh tác lạc hậu khiến năng suất và chất lượng giảm sút. Xuất phát từ thực tế này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị thực hiện đề tài “Phục tráng một số giống chuối trên địa bàn huyện Hướng Hóa bằng phương pháp Invitro".
Hai loại chuối được chọn ứng dụng công nghệ sinh học để phục tráng là giống chuối mốc (chuối tây) và chuối lùn (chuối bà lùn) đã được trồng từ lâu trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, đến nay Trung tâm đã nhân giống thành công các loại chuối này. Cây chuối được phục tráng đã phát triển tốt, theo đúng yêu cầu nghiên cứu đặt ra. Theo đánh giá của Hội đồng khoa học tỉnh Quảng Trị, đây là đề tài có tính thực tiễn cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi.
Đề tài được thực hiện đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác chọn giống, phục tráng giống, tạo ra một số lượng lớn cây sạch bệnh, đảm bảo về mặt di truyền, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững nghề trồng chuối ở Hướng Hóa. Đề tài nghiên cứu này sẽ tiếp tục được thực hiện đến tháng 8/2013.